(HNM) - Vài năm nay, tại địa bàn
Việc đăng ký vào học tại các “lò” luyện thi “truyền thống” không còn nhộn nhịp như trước. Ảnh: Phương Thanh |
Luyện thi truyền thống - cạnh tranh gay gắt
Các lò luyện thi không còn làm mưa làm gió và điều đó được coi là kết quả quan trọng của việc tổ chức thi tuyển sinh "3 chung" (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển). Thế nhưng, cách đây ít tháng, khi dư luận mới phong thanh về việc Bộ GD-ĐT cho phép một số trường ĐH thí điểm tự chủ tuyển sinh (bao gồm tự ra đề), các chuyên gia đã cảnh báo về sự rục rịch trở lại của các lò luyện thi theo kiểu "trường nào, trò ấy". Điều này cho thấy, sự tồn tại của các cơ sở bồi dưỡng kiến thức cho thí sinh chuẩn bị thi vào các trường ĐH, CĐ là một vấn đề rất nhạy cảm. Các thí sinh sẵn sàng bỏ công sức và thời gian để "dùi mài kinh sử" ở nơi mà họ nghĩ sẽ đem lại nhiều cơ hội vào ĐH.
Sau khi Bộ GD-ĐT cho biết sẽ không có thay đổi lớn trong cách thức tuyển sinh trong năm 2011, hoạt động của các cơ sở luyện thi có xu hướng giảm dần song không hề biến mất. Như thường lệ, lượng thí sinh bắt đầu tăng lên sau dịp Tết Nguyên đán, phần lớn là thí sinh tự do từ các địa phương ngoài Hà Nội. Thí sinh Nguyễn Hoàng Phúc, quê Thái Bình, bắt đầu luyện thi nội trú từ đầu tháng 3 tại một cơ sở ở khu vực Thanh Xuân cho biết: "Năm ngoái em đã thi vào Trường ĐH Kiến trúc nhưng trượt và không đăng ký thi vào trường nào khác. Em ở nhà học ôn để năm nay thi lại vào trường yêu thích". Nguyễn Hoàng Phúc lên Hà Nội để luyện môn năng khiếu do ở quê không có điều kiện tiếp cận với môn học này. Học phí cho mỗi buổi luyện vẽ là 55.000 đồng.
Không cao như các môn năng khiếu, học phí các môn khác chỉ khoảng từ 25.000 đồng đến 35.000 đồng/ buổi, tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái. Em Trần Thanh Thư, luyện thi ở trung tâm cạnh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sau khi nộp 1,5 triệu đồng cho khóa học cả 3 môn Văn, Sử, Địa, cho biết: Học phí có tăng song không đáng kể so với mức tăng của các khoản chi cho ăn ở, sinh hoạt, đi lại. Cơ sở mà Trần Thanh Thư đăng ký học vẫn duy trì số học sinh như năm ngoái trong khi một số lò luyện bên cạnh đã không còn hoạt động.
Một giáo viên dạy toán có kinh nghiệm luyện thi lâu năm tại một cơ sở rất có uy tín xác nhận thực tế đáng chú ý: vào thời hoàng kim của "lò" luyện thi, mỗi "lò" có khoảng 100 học sinh là chuyện phổ biến và có rất nhiều lớp như thế. Hiện nay, quy mô lớp chỉ còn từ 30 đến 50 học sinh, nhiều "lò" phải đóng cửa. Tuy nhiên, ở một số lớp hay trung tâm luyện thi có "thương hiệu", sĩ số lại ở mức "khủng" hơn cả trước kia, 400-500 em/lớp là chuyện thường.
Sinh động luyện thi trực tuyến
Những thực tế trên cho thấy, nếu còn phải thi tuyển thì sẽ còn có "lò" luyện thi, mặc dù quy mô, tính chất của nó có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong "ngành công nghiệp" này đang ở mức rất cao, mà sức ép lớn nhất chính là từ phương thức luyện thi trực tuyến.
Khi mới xuất hiện, các trang web luyện thi vẫn bị chê là khô cứng, thiếu sự giao tiếp giữa thầy và trò nên kết quả luyện thi bị hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay, các trang web lớn gần như đã khắc phục được điều này với một đội ngũ tư vấn trực tuyến hoặc tư vấn qua điện thoại. Một số trang web có nhiều hình thức hoạt động khá sinh động để thu hút học viên. Thí sinh đăng bài tập lên trang web sẽ được thưởng bằng cách cộng tiền vào tài khoản. Trang web thường tổ chức các cuộc thi làm bài giữa các trường hay giữa các thí sinh, cung cấp liên tục các bài thi thử miễn phí để thí sinh hoàn thiện kỹ năng... Chỉ 2 tiếng sau khi công bố đề, các thành viên tham gia đã có bảng kết quả để tự đánh giá trình độ của mình so với trình độ chung. Điểm số của thí sinh được tích lũy dần và hiện diện trên các bảng top level hằng tháng, theo từng môn, theo từng địa phương hoặc toàn quốc. Một trang web có số thành viên lên tới hơn 1 triệu đã công bố chính sách hoàn trả học phí cho "khóa luyện thi ĐH bảo đảm" nếu không đỗ ĐH. Trang web này khẳng định, sẽ hoàn trả 20%-100% học phí nếu môn luyện thi không đạt điểm 7 trong kỳ thi tuyển sinh năm 2011. Tất nhiên, điều kiện kèm theo là thí sinh phải tham gia học, làm bài tập đầy đủ, nỗ lực cao nhất với cả 3 môn trong kỳ thi. Thí sinh cũng chỉ được hoàn trả học phí khi việc thiếu điểm ở môn đó làm thí sinh trượt cả nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2...
Tuy có những ưu điểm vượt trội so với hình thức luyện thi truyền thống như tiết kiệm tiền bạc, thời gian, có thể học tại nhà, đội ngũ giảng viên và nguồn tài liệu phong phú... các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng, luyện thi trực tuyến có thể là con dao hai lưỡi. Nhiều học sinh lơ là việc thu nạp kiến thức trên lớp, có em "lạc lối" rồi chìm đắm sang các trang web trò chơi hoặc có nội dung không lành mạnh khác. Kho dữ liệu khổng lồ cũng khiến nhiều em bối rối, không biết cách vận dụng hiệu quả. Đó là chưa kể, các trang web luyện thi vẫn chưa được cơ quan chức năng kiểm định, một số trang chỉ tập hợp các đề thi, bài giảng vụn vặt, trùng lắp.
Cuối cùng, cần phải khẳng định rằng, không thể ỷ vào công nghệ, dù học tập với hình thức nào thì ý chí, nỗ lực của thí sinh vẫn là điều quyết định thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.