(HNM) - Đối thoại là một trong những giải pháp góp phần giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh một cách hiệu quả. Tại Hà Nội, một trong những điểm nhấn trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các đồng chí lãnh đạo thành phố là tăng cường đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Ở các địa phương, đã có những cấp ủy ban đầu thí điểm, sau đó tổ chức đối thoại thường kỳ với người dân. Chẳng hạn, hình thức này tại huyện Phúc Thọ và quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) được dư luận ghi nhận, đánh giá cao. Đáng chú ý, tham dự các cuộc đối thoại này, nhiều người dân đều mong muốn được định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý đối thoại với bí thư, chủ tịch UBND quận, huyện.
Dù vậy, không phải ở đâu, lúc nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng làm tốt việc đối thoại với dân. Vì nếu cấp ủy cấp dưới, cùng với chính quyền chịu đối thoại, chịu lắng nghe và giải đáp những kiến nghị của người dân chu đáo, đầy đủ thì chắc chắn những vụ khiếu kiện, khiếu nại đông người, vượt cấp sẽ giảm đáng kể.
Vừa rồi, trong buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có cách ví von rất hay: Quốc hội là ắc quy, còn dân là điện. Quốc hội không bám sát hơi thở cuộc sống để "nạp điện" thì Quốc hội "tắt điện". Mối liên hệ giữa các cấp ủy đảng với người dân cũng đúng như thế. Và như vậy, đối thoại giống như "sợi dây" dẫn tốt để người dân "nạp điện" cho cấp ủy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.