(HNM) - Cách trung tâm Hà Nội chỉ 45km, là huyện lớn thứ hai thành phố với diện tích hơn 30.000ha, nhưng Sóc Sơn vẫn còn 7 xã có đông hộ nghèo. Để nâng cao đời sống của nhân dân, thành phố và huyện đã và đang triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế cho các xã nghèo của huyện.
Luẩn quẩn xóa nghèo
Thôn Minh Tân, xã Minh Trí, có diện tích rộng 1.000ha, với 570 khẩu/130 hộ thì có tới 34 hộ nghèo, 85 hộ cận nghèo. Đất rộng nhưng thôn có tới 70% diện tích là rừng và hồ thủy lợi Đồng Đò (trên 60ha), đất dành cho sản xuất rất hạn chế. Trong khi đó địa hình đồi gò nên đất đai cằn cỗi, cây trồng phát triển chậm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn Minh Tân cho biết, ở Minh Tân, mỗi hộ được Nhà nước giao từ 2 đến 3ha rừng để chăm sóc với số tiền 300 nghìn đồng/ha/năm; khi cây rừng đến tuổi khai thác sẽ được chia 20%. Mặc dù vậy, do không hợp thổ nhưỡng nên rừng bạch đàn trồng 15 năm vẫn còi cọc, chưa thể khai thác. Không có hướng làm kinh tế, từ nhiều năm nay, không ít người dân thôn Minh Tân chọn cách vào rừng nhặt cành, chặt gốc cây đốt lấy than bán. Một số thanh niên phải đạp xe 20km ra thị trấn làm công nhân trong các xí nghiệp may hay làm phu hồ với mức lương ít ỏi 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng/tháng.
Không riêng gì thôn Minh Tân, huyện Sóc Sơn còn nhiều xã thuộc diện khó khăn. Toàn huyện có hơn 9.600 hộ nghèo/61.000 hộ, trong đó 7 xã có số hộ nghèo nhiều nhất chiếm trên 15% dân số là Tân Hưng, Việt Long, Đức Hòa, Kim Lũ, Xuân Thu, Nam Sơn và Bắc Sơn. Nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo ở Sóc Sơn cao là do đất đai bạc màu, đồng ruộng bậc thang gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, trong khi đó toàn huyện có tới hơn 70% dân số sống bằng nghề nông, trình độ dân trí thấp. Mặc dù hằng năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện đều giảm, song sau mỗi lần Nhà nước nâng chuẩn hộ nghèo mới thì Sóc Sơn lại tăng số hộ nghèo. Điều đó cho thấy hộ nghèo ở Sóc Sơn chưa được thoát nghèo bền vững, hộ cận nghèo rất dễ tái nghèo. Đơn cử như cuối năm 2000, toàn huyện có khoảng 3.500 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,5% thì đến năm 2001, thành phố áp dụng chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo huyện tăng lên thành hơn 10.000 hộ, chiếm tỷ lệ 18,8%. Sau một thời gian tập trung xóa nghèo, cuối năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống 0,57%, tuy nhiên đầu năm 2006, thành phố áp dụng chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo của huyện lại tăng lên thành hơn 9.700 hộ, chiếm tỷ lệ 16,9%... Năm 2009, sau khi rà soát hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo mới, toàn huyện có hơn 9.600 hộ nghèo, chiếm 15,5%.
Tìm giải pháp bền vững
Làm gì để huyện Sóc Sơn thoát nghèo bền vững là vấn đề được các cấp chính quyền ở đây rất quan tâm. Năm 2003, thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo ở các xã nghèo của huyện. Mục tiêu dự án là nhằm phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất... với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) cho biết, đến thời điểm này, một số tiểu dự án do chi cục làm chủ đầu tư như dự án giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng thực hiện trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã cơ bản hoàn thành. Riêng 3 xã Đông Xuân, Bắc Phú và Hiền Ninh cũng đã có chợ giúp bà con thuận tiện hơn trong mua bán, trao đổi hàng hóa trong dịp Tết vừa qua. Chi cục cũng đã chọn một số mô hình hiệu quả phù hợp với điều kiện sản xuất để chuyển giao cho bà con và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp dân phát triển kinh tế.
Bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố, huyện Sóc Sơn đã xây dựng nhiều chương trình giúp người dân thoát nghèo. Theo ông Trần Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn thì từ năm 2006 đến nay, huyện đã huy động tổng lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở các vùng nông thôn. Đến nay bê tông hóa đường liên xã trên địa bàn đã đạt 75%; đường giao thông liên thôn là 82%; hệ thống thủy lợi chủ động tưới đạt 80% và chủ động tiêu đạt gần 70%; 100% các trường tiểu học, THCS được kiên cố hóa, trong đó có 100% các trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia... Trong 5 năm, đã có hơn 265 nghìn lượt nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn; hơn 45 nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ cây, con giống, phân bón phục vụ sản xuất; hơn 52 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm...
Với đặc điểm đất đai đồi gò không phù hợp cho việc phát triển nông nghiệp, nhưng Sóc Sơn lại thích hợp cho việc đầu tư phát triển công nghiệp, đặc biệt là du lịch, nên về lâu dài huyện và thành phố xác định phát triển rừng Sóc Sơn trên cơ sở cải thiện đời sống của người dân làm nghề rừng, đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, phát triển rừng kết hợp với du lịch. Hiện một số khu du lịch đang được triển khai như khu du lịch văn hóa kết hợp với nghỉ ngơi cuối tuần Đền Sóc; khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái và nghỉ cuối tuần hồ Đồng Đò (xã Minh Trí); làng sinh thái, du lịch và nghỉ cuối tuần Minh Phú; khu du lịch sinh thái hồ Hoa Sơn - hồ Hàm Lợn (xã Nam Sơn); khu Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (xã Tiên Dược)... Các dự án hoàn thành cũng sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương, tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.