(HNM)- Để giảm bớt số vụ cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô, huyện Sóc Sơn đã xây dựng các giải pháp phòng chống cháy rừng (PCCR), trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền và ứng trực các điểm trọng yếu.
Số vụ cháy rừng giảm
Cán bộ kiểm lâm Sóc Sơn tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Bá Hoạt
Huyện Sóc Sơn hiện có 4.557ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng là 3.953ha. Những năm trước đây, tình trạng cháy rừng diễn biến phức tạp. Từ năm 2010, Sóc Sơn đã thay đổi cơ chế quản lý bảo vệ, xác định trách nhiệm rõ ràng giữa hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng và chuyển mô hình quản lý từ lâm trường sang Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển lâm nghiệp Sóc Sơn, bước đầu hạn chế được tình trạng cháy rừng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn Nguyễn Văn Thành cho biết, rừng Sóc Sơn trải đều trên 11 xã và một thị trấn, trong đó chủ yếu là rừng thông, keo đều là những loại cây dễ cháy.
UBND huyện Sóc Sơn đã có nhiều hình thức tuyên truyền PCCR như treo băng rôn, khẩu hiệu, biển báo, tờ rơi… thường xuyên thông báo về tình trạng cháy rừng tới người dân. Đặc biệt, từ đầu mùa khô năm 2010-2011, Hạt Kiểm lâm đã đẩy mạnh công tác dự báo, tuyên truyền PCCR nên số vụ cháy rừng giảm đáng kể. Nếu năm 2009, toàn huyện xảy ra 54 vụ cháy rừng với diện tích 77,45ha thì năm 2010, chỉ xảy ra 19 vụ với diện tích 30,90ha, trong đó diện tích thiệt hại khoảng 15,6ha. Nói về nguyên nhân cháy rừng, ông Nguyễn Văn Thành cho biết, hầu hết các vụ cháy đều do dùng lửa bất cẩn. Đáng lưu ý là nhiều khi chỉ vì sự bất cẩn như vứt tàn thuốc lá, cắm hương trong khu du lịch, lễ hội cũng gây ra cháy rừng. Điều đó cho thấy công tác tuyên truyền PCCR là rất quan trọng.
Ứng trực và phương châm 4 tại chỗ
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Ngô Đại Ngọc cho biết, rừng Sóc Sơn vốn là rừng trồng lâu năm, rừng thông, keo, bạch đàn đã già, có độ che phủ cao, thảm thực vật dày (0,5-1,5m) rất dễ bắt lửa. Vào cao điểm 6 tháng mùa hanh khô, cấp độ báo động rừng luôn ở cấp 4, cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Rừng Sóc Sơn lại xen kẽ với các khu dân cư, nên rất khó kiểm soát. Đáng nói hơn, có tới 70% số vụ cháy xảy ra vào tối đêm, gây khó khăn cho việc chữa cháy. Xác định được nguyên nhân và đặc điểm địa hình, phân bố rừng, ngay đầu năm 2011, UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã, chủ rừng phải xây dựng phương án PCCR, phân công lãnh đạo trực, bố trí lực lượng xung kích ứng trực 24/24h.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn Nguyễn Văn Thành khẳng định, sự cần thiết nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng và áp dụng phương châm 4 tại chỗ khi xảy ra cháy rừng. Do vậy, ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội mở 5 lớp tập huấn nghiệp vụ PCCR cho cán bộ, nhân dân, tổ đội xung kích, chủ rừng, lực lượng quân đội với trên 200 người; tổ chức 14 đợt tuyên truyền lưu động đến tận thôn, xã có rừng, dựng biển cảnh báo cháy rừng để nhắc nhở du khách chấp hành quy định PCCR. Bên cạnh đó là duy trì thường xuyên 8 điểm gác phát hiện lửa sớm ở các vùng trọng điểm. Đặc biệt, để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi có cháy rừng xảy ra, lực lượng tại chỗ luôn sẵn sàng với sự tham gia của gần 200 hộ gia đình và 3 đơn vị nhận hợp đồng bảo vệ rừng. Ngoài ra, lực lượng tham gia PCCR còn có 25 tổ đội tình nguyện với 684 người, 13 tổ đội xung kích PCCR ở các xã và vùng trọng điểm, Công ty TNHH MTV Sóc Sơn với 150 người phối hợp với lực lượng công an, kiểm lâm và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn.
Rừng Sóc Sơn như lá phổi xanh của Thủ đô. Vừa qua, Viện Kinh tế sinh thái (EcoEco) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cùng UBND huyện Sóc Sơn và Công ty Toyota Việt Nam (TMV) phối hợp thực hiện dự án "Mô hình rừng nhiệt đới Toyota-EcoEco tái lập 30ha rừng nhiệt đới trên vùng đồi Sóc Sơn, tôn tạo cảnh quan đền Gióng. Dự án đó, cùng nỗ lực bảo vệ rừng trong thời gian qua hứa hẹn chặn đứng nạn cháy rừng ở Sóc Sơn.
28 tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy rừng |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.