Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết quý I, số tiền nợ các loại bảo hiểm là 12.960 tỷ đồng. Trong khi tính đến cuối năm 2017, số tiền nợ các loại bảo hiểm chỉ là 5.737 tỷ đồng.
Đây là số liệu được đưa ra trong buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ tháng 3 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 27-3, tại Hà Nội.
Tiếp nhận hồ sơ, thu bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Theo ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng ban Thu bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh tập trung mọi nguồn lực để đôn đốc kiểm tra, thanh tra… việc đóng bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp khi nhận được quyết định thanh tra đã trả nợ ngay.
Đặc biệt, trong quý I, một số doanh nghiệp nước ngoài xảy ra tình trạng chủ bỏ trốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng nghìn người lao động. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã phải chốt sổ, giải quyết chế độ bảo hiểm cho những người lao động này.
Ông Mai Đức Thắng cho biết, tính hết năm 2017, hơn 100 doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn về nước, mất tích, gây khó khăn cho hàng nghìn người lao động thuộc các doanh nghiệp này. Việc thu hồi nợ của các doanh nghiệp này cũng đang gặp nhiều khó khăn.
“Sự đầu tư về vốn liếng của các doanh nghiệp FDI không lớn nên khi thanh lý chưa trả đủ vốn vay các ngân hàng, còn khoản nợ bảo hiểm không giải quyết được. Trong các đơn vị được ưu tiên trong giải quyết nợ thì nợ bảo hiểm thuộc diện không được ưu tiên”, ông Thắng nói.
Trước thực trạng này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi một số pháp luật có liên quan theo hướng khi thanh lý tài sản của các doanh nghiệp giải thể, phá sản thì tiền đóng bảo hiểm xã hội được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.