(HNMO)- Phan Ngọc Lương – cô kỹ nữ, nữ họa sĩ theo trường thái hậu ấn tượng, sống giao thoa giữa nghệ thuật vĩ đại và lịch sử hiện đại đầy biến động của Trung Quốc. Trong tiểu thuyết “Nữ danh họa Thượng Hải”, Jennifer Cody Epstein đã tái hiện cuộc đời của người phụ nữ dũng cảm và đầy hư ảo này.
(HNMO)- Phan Ngọc Lương – cô kỹ nữ, nữ họa sĩ theo trường thái hậu ấn tượng, sống giao thoa giữa nghệ thuật vĩ đại và lịch sử hiện đại đầy biến động của Trung Quốc. Trong tiểu thuyết “Nữ danh họa Thượng Hải”, Jennifer Cody Epstein đã tái hiện cuộc đời của người phụ nữ dũng cảm và đầy hư ảo này. Sách do dịch giả Trần Cung, NXB Văn hóa Thông tin và Nhà sách Tân Việt ấn hành vừa ra mắt độc giả Việt.
Nhân vật chính của “Nữ danh họa Thượng Hải” là Phan Ngọc Lương, nữ họa sĩ tài năng nhưng có số phận ly kỳ trong lịch sử hội họa cận đại Trung Quốc. Phan Ngọc Lương tên thật là Dương Tú Thanh, từ nhỏ đã không may bị mồ côi cha mẹ, và được người cậu nhận nuôi. Nhưng chính người cậu cũng nhẫn tâm bán cô bé cho một kỹ viện khi Ngọc Lương mới 14 tuổi. Tại đây cái tên thuở nhỏ Dương Tú Thanh được đổi thành Trương Ngọc Lương. Trở thành kỹ nữ có tiếng nhất nhì trong Vĩnh Lệ Viện ở Giang Tô, cô may mắn được Phan Tán Hoa chuộc về và trở thành người vợ bé. Lần đổi tên thứ hai theo họ chồng trở thành Phan Ngọc Lương, cái tên mà sau này sẽ đi vào lịch sử hội họa Trung Quốc như một nữ họa sĩ tài năng bậc nhất.
Cuộc đời của một họa sỹ chỉ bắt đầu với Phan Ngọc Lương khi cô cùng chồng chuyển đến Thượng Hải. Tại đây với tình yêu nghệ thuật và sự ủng hộ của người chồng, cô đã đăng ký vào Học viện Mỹ thuật Thượng Hải. Nhưng dù là một người thực sự có tài năng cũng như được sự ủng hộ của ngay hiệu trưởng Học viện thì Ngọc Lương cũng không thể có trong danh sách những người trúng tuyển. Cả Thượng Hải đã biết quá khứ của cô, và không dễ gì họ chấp nhận một cô gái bán hoa lại trở thành họa sĩ. Nhưng không dừng lại ở đây, Ngọc Lương vẫn tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật cô đã chọn và còn dấn thân vào một lĩnh vực mà lúc đó chẳng dễ gì một người nữ họa sĩ phương Đông ở những năm đầu thế kỷ XX đủ sức theo đuổi – vẽ tranh khỏa thân.
Tài năng của Phan Ngọc Lương chỉ thực sự được công nhận trong hơn 40 năm định cư ở ngoại quốc nhưng người họa sĩ ấy vẫn luôn hướng về quê hương. Nghệ thuật đã cho cô danh tiếng, sự ghi nhận tài năng nhưng cũng lấy đi của cô không ít, Phan Ngọc Lương đã phải sống cuộc đời cô đơn nơi xứ người và trong cảnh nghèo túng, bởi khi còn sống tranh của Phan Ngọc Lương chỉ bán được ở mức độ khiêm tốn do những ác cảm của các nhà buôn tranh.
Trong “Nữ danh họa Thượng Hải”, tác giả Jennifer Cody Epstein đã tái hiện lại thế giới của một người phụ nữ sau bức chân dung khỏa thân tự họa trường phái hậu ấn tượng, tưởng tượng ra những chi tiết phong phú về cuộc sống của cô ở trong kĩ viện và sau đó được một viên chức của đảng cấp tiến giúp đỡ trên con đường trở thành họa sĩ. Chuyển động cùng những biến cố lịch sử, “Nữ Danh Họa Thượng Hải” đã tôn vinh phong cách hội họa táo bạo phi thường, điều đã mang lại cho Phan Ngọc Lương danh tiếng kèm theo những tai tiếng và cuối cùng là sự lựa chọn nghiệt ngã giữa nghệ thuật và tình yêu trong cuộc đời cô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.