(HNM) - Nhà văn hóa (NVH) thôn, làng góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nông thôn. Ở nhiều nơi, tuy phong trào xây dựng NVH thôn, làng nở rộ nhưng việc sử dụng lại không mấy hiệu quả. Thực tế này đang diễn ra ở huyện Đan Phượng (Hà Nội).
Từ năm 2002, huyện Đan Phượng đã tích cực triển khai xây dựng NVH với cơ chế hỗ trợ mỗi NVH xây mới 20 triệu đồng. Năm 2006, HĐND huyện đã ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng NVH, mục tiêu đến năm 2010, 100% các thôn, làng, tổ dân phố có NVH. Đây là chủ trương đúng đắn nên được chính quyền và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, toàn huyện có 65/88 thôn, làng đã có NVH, đạt 73,8%. Nhiều xã như Liên Hồng, Đan Phượng, Song Phượng, Liên Hà, Tân Hội... đã có 100% số thôn có NVH. Tại xã Liên Hồng, năm 2006, 4/4 thôn của xã đã hoàn thành xây dựng NVH. Trong đó NVH thôn Hữu Cước và Thượng Trì, còn được đầu tư xây dựng khang trang với khoảng 600 triệu đồng mỗi cơ sở. Không chỉ có NVH thôn, ở xã Tân Hội mỗi cụm dân cư trong thôn cũng đã xây dựng được một NVH. Điển hình như thôn Hạ Hội có 6/6 NVH với quy mô, mỗi nhà rộng hơn 100m2. Cách đó không xa, thôn Đan Hội, xã Tân Lập cũng có 3/3 cụm dân cư có NVH.
Mặc dù phong trào xây dựng NVH thôn đã đạt được nhiều kết quả, nhưng chiếu theo quy chuẩn về NVH của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì rất ít NVH thôn đạt chuẩn và hoạt động hiệu quả. Theo ông Trần Trọng Kiểm, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Đan Phượng thì các tiêu chí theo quy định của NVH chuẩn bao gồm: quy mô phải từ 500m2 trở lên, có đủ chỗ ngồi cho mỗi hộ trong thôn một người, có phòng giáo dục truyền thống, tủ sách, thư viện, phòng đọc sách báo, khu thể thao... Đáng chú ý hơn, ở nhiều địa phương, NVH được xây dựng khang trang xong chỉ để vài tháng họp dân một lần, rồi lại đóng cửa. Trong khi đó, ở nông thôn đời sống văn hóa tinh thần của người dân còn rất thiếu thốn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao rất ít diễn ra.
Tại xã Liên Hồng, chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Tổ cho biết, mới chỉ thỉnh thoảng họp thôn (mà phải báo trước) thì mới có người ra mở cửa, còn NVH ở đây thường xuyên khóa, mà có mở cửa thì cũng ít người đến vì không có gì để xem, để giải trí... Chủ tịch UBND xã Liên Hồng Nguyễn Hữu Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, NVH hoạt động không mấy hiệu quả bởi xã chưa bố trí được cán bộ chuyên trách quản lý và hướng dẫn nhân dân các nội dung sinh hoạt. Hơn nữa, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các NVH như thư viện, sách báo, sân thể thao cũng còn thiếu nên chưa thu hút được người dân tham gia. Cá biệt, nhiều NVH thôn khác như ở xã Thọ An xây dựng xong nhưng hội trường chưa có bàn ghế, lại ở rìa làng nên hầu như không ai đến.
Theo kết quả khảo sát, huyện Đan Phượng có tới 70% số NVH thôn có cơ sở vật chất quá nghèo nàn. 40 NVH có diện tích hẹp, quy mô nhỏ, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao ở cơ sở, hầu hết chưa có cán bộ chuyên trách chăm lo cho hoạt động của NVH. Thực tế cho thấy nếu chỉ xây NVH thôi thì chưa đủ mà mỗi NVH phải được khai thác tối đa hoạt động nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân nông thôn. Ông Nguyễn Tiến Toàn, Trưởng phòng VH-TT huyện Đan Phượng kiến nghị, trước khi xây dựng NVH, địa phương cần tạo điều kiện về quỹ đất để các NVH có quy mô đủ cho các hoạt động. Trong điều kiện sự hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, địa phương cần tranh thủ thêm sự hỗ trợ của nhân dân tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các NVH. Đặc biệt, cần có đội ngũ cán bộ văn hóa thôn hướng dẫn và thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.