Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập kinh tế: Còn nhiều rào cản

Khánh Vũ| 18/01/2016 06:05

(HNM) - Ngày 17-1, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển thương hiệu Việt phối hợp tổ chức hội nghị "Đổi mới và phát triển của doanh nghiệp (DN) trong hội nhập kinh tế quốc tế".

Tại đây, các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học và DN đã trao đổi thông tin, kinh nghiệm cần thiết nhằm phát triển thị trường, giúp DN tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT).

Thiếu các quy định về sở hữu trí tuệ

Những rào cản về SHTT mà các DN Việt Nam sẽ gặp khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực là nội dung thu hút sự chú ý của nhiều người. Ông Trần Văn Hải, chuyên gia về SHTT, đã phân tích một số rào cản. Về nhãn hiệu, TPP quy định: "Không bên nào được quy định rằng dấu hiệu phải được nhìn thấy là điều kiện để đăng ký nhãn hiệu, cũng không được từ chối việc đăng ký nhãn hiệu là một âm thanh. Ngoài ra, mỗi bên phải nỗ lực để cho phép đăng ký nhãn hiệu có mùi". Điều này là rào cản thực sự đối với DN trong nước khi Luật SHTT Việt Nam chỉ quy định: "Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc". Pháp luật Việt Nam chỉ quy định dấu hiệu nhìn thấy có thể được đăng ký là nhãn hiệu và như vậy, DN thuộc các ngành công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm, ghi âm… sẽ gặp bất lợi khi TPP được vận hành.

Các DN Việt Nam cũng có thể đối mặt với những rào cản về chỉ dẫn địa lý. Là một quốc gia nông nghiệp, song Việt Nam không có sản phẩm nào được WIPO (Tổ chức SHTT thế giới) nhắc đến trong danh mục các nông sản nổi tiếng thế giới (danh mục này có trà Darjeeling, phomat Parmigiano, rượu vang Bordeaux, thịt bò Kobe, rượu Tequila Mexico…). Cho đến cuối năm 2015, Việt Nam đã bảo hộ 47 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp nhưng hiệu quả của việc bảo hộ này trong thương mại quốc tế chỉ ở mức khiêm tốn. Cục SHTT của Thái Lan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Buôn Ma Thuột" cho sản phẩm cà phê của Việt Nam, trước đó là chỉ dẫn "Phú Quốc" cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ ở Liên minh Châu Âu. Trong khi Việt Nam bảo hộ rượu Pisco của Peru thì ngược lại, Peru không bảo hộ bất kỳ một chỉ dẫn địa lý nào cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Theo ông Trần Văn Hải, đó là những điểm bất lợi của các DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Họ sẽ buộc phải để các quốc gia còn lại dẫn dắt cuộc chơi trong giao lưu thương mại liên quan đến nông sản, ít nhất là trong nội bộ các quốc gia thành viên TPP.

Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ

Khi tham gia TPP, các DN sản xuất dược phẩm của Việt Nam có nguy cơ bị hạn chế quyền sản xuất thuốc gốc, quyền tiếp cận với dữ liệu thử nghiệm. Điều này làm tăng gánh nặng chi phí đối với người bệnh.

Trong quá trình đàm phán TPP, Mỹ đã đề cập đến quyền sản xuất thuốc gốc (được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết thời hạn bảo hộ). Các DN dược phẩm thuộc quốc gia có tiềm lực KH&CN yếu (trong đó có Việt Nam) thường chờ hết thời hạn bảo hộ để giành quyền sản xuất thuốc gốc. Nhưng Mỹ đã đề xuất thêm những yêu cầu mới để ngăn việc có thể sản xuất thuốc gốc. Những yêu cầu đó tạo tiền đề cho việc lợi dụng để "làm mới sáng chế" trong khi bản chất của việc làm mới là phải thay thế công nghệ. Hệ quả từ đề xuất của Mỹ là không có bất kỳ DN dược phẩm nào được quyền sản xuất thuốc gốc nếu sáng chế được bổ sung thêm một tính năng vào thời điểm nó gần hết thời hạn bảo hộ.

Một ví dụ trong thực tế là từ năm 1990, Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp giấy chứng nhận cho Phương pháp ức chế sự lây truyền virus AIDS. Nhưng, kể từ đó tới nay, chứng nhận này vẫn còn hiệu lực bằng những sáng chế phát sinh khác. Vì vậy, chưa có một DN dược phẩm nào thuộc các quốc gia có tiềm lực KH&CN kém được quyền áp dụng phương pháp trên để tạo ra biệt dược cung cấp cho bệnh nhân nghèo. Ngoài ra, cần biết rằng, Mỹ đề xuất kéo dài thời hạn bảo hộ dữ liệu thử nghiệm với thuốc thông thường chỉ là 5 năm, nhưng với thuốc sinh học là 12 năm.

Về giải pháp để vượt qua những rào cản nói trên, ông Trần Văn Hải cho rằng, chúng ta cần bổ sung quy định về nhãn hiệu, trước mắt là cho các ngành công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm, ghi âm… Về chỉ dẫn địa lý, để khắc phục khó khăn, các DN Việt Nam cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở chính các nước nằm trong TPP có thể trở thành thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Về ngành công nghiệp dược phẩm, chúng ta không thể làm gì khác với những quy định TPP đã ký và bởi vậy, có lẽ, thay vì nhập khẩu dược phẩm thì ta nên nhập khẩu công nghệ sản xuất dược phẩm ngay từ khi sáng chế mới được bảo hộ. Làm theo cách này có một số điểm lợi, trước hết là chúng ta làm quen được với thị trường, sau là nâng cao được năng lực làm chủ công nghệ cho các DN Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập kinh tế: Còn nhiều rào cản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.