(HNM) - Bộ GTVT vừa có kết luận thanh tra (KLTT) về việc quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn Hà Nội, trong đó chỉ rõ một số nội dung, như Sở GTVT Hà Nội cấp phép trông giữ phương tiện trên lòng đường, vỉa hè, gầm cầu vượt sai quy định; việc tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí không công bằng gây thất thu mỗi năm 24,5 tỷ đồng…
Một điểm trông giữ xe trên phố Hai Bà Trưng. Ảnh: Như Ý |
Không có cơ sở kết luận gây thất thu ngân sách
Trong KLTT số 5442/KL-BGTVT, Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, Sở GTVT Hà Nội quy định áp dụng không thống nhất mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè. Trong đó, Công ty Khai thác điểm đỗ xe (KTĐĐX) được tính bằng 2% trên doanh thu hàng năm, các đơn vị còn lại nộp 10.000-45.000 đồng/m2/tháng tùy theo tuyến phố, đã dẫn đến thiếu công bằng và ước tính gây thất thu cho ngân sách khoảng 24,5 tỷ đồng/năm. Phản đối nội dung này, Sở GTVT khẳng định việc cấp phép, thu phí và lệ phí là theo đúng Quyết định số 23/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Vì sao có con số 24,5 tỷ đồng? Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân giải thích, đó là do đoàn thanh tra (ĐTT) lấy diện tích lòng đường, vỉa hè, gầm cầu trên địa bàn TP mà Công ty KTĐĐX đang được giao quản lý (204.448m2) nhân với 10.000 đồng/m2 rồi nhân tiếp với 12 tháng. Đấy là con số thu nếu giao cho DN bình thường, nhưng ĐTT lại "quên" rằng Công ty KTĐĐX là DN công ích của TP, các khoản phải thu và nộp phí thực hiện theo đúng nghị quyết của HĐND TP và quyết định của UBND TP. Đối với DN công ích, việc thu phí lòng đường, vỉa hè còn phải tuân thủ theo hướng dẫn tại Thông tư 97/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính. Thông tư này hướng dẫn không được tính quá 3% trên doanh thu hoặc theo mét vuông tùy theo cấp đường, loại đường. Với khu vực quận Hoàn Kiếm, Công ty KTĐĐX vẫn phải thu theo mức như với các đơn vị khác. Còn với các điểm tại các quận, huyện khác và các gầm cầu thì tính trên doanh thu. ĐTT cũng "quên" rằng nhiều khu vực công ty này được giao quản lý, trông giữ xe, nhưng không được thu phí mà chỉ phục vụ cộng đồng như tại các trụ sở hành chính cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao hoặc các điểm xa ở Mỹ Đình, Ngọc Hồi… chỉ quây hàng rào quản lý nhằm chống lấn chiếm. Tính gom hết lại để nhân với mức giá chung 10.000 đồng/m2 rồi ấn định mức thất thu như vậy là chưa hợp lý.
Sở không sai trong việc cấp phép trông giữ xe ở gầm cầu vượt, phố cấm
Cũng trong KLTT số 5442/KL-BGTVT, Bộ GTVT cho rằng Sở GTVT đã cấp phép trông giữ xe khi chưa có quyết định hoặc văn bản cho phép của UBND TP Hà Nội theo quy định tại Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT của Bộ GTVT đối với 8 gầm cầu vượt. Cùng với đó là một loạt tuyến phố nằm trong danh mục phố cấm hoặc không phù hợp với các quy định của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng cũng được cấp phép. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, việc hình thành các điểm đỗ xe dưới gầm cầu vượt đã có từ trước khi Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT có hiệu lực, như các gầm cầu vượt Mai Dịch, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Chương Dương… Một số điểm khác như gầm cầu vượt Phú Thụy, Đại lộ Thăng Long đều có văn bản cho phép của UBND TP nhằm giải quyết vấn đề bức xúc về giao thông tĩnh của Thủ đô. Trước khi cấp phép các điểm này, liên ngành TP đã khảo sát và khẳng định các điểm này không ảnh hưởng tới ATGT.
Với các điểm trông giữ theo KLTT nói là không đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư 04/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng, Sở GTVT cho rằng, thời điểm năm 2008, các tuyến đường, tuyến phố áp dụng quy định đường đô thị theo Thông tư 04/2008/TT-BXD, tức là chịu sự quản lý của cả hai Bộ Xây dựng và GTVT. Từ năm 2011, việc quản lý lòng đường, vỉa hè áp dụng theo Thông tư 39/2011/TT-BGTVT. Nay áp dụng quy định cũ để nói Hà Nội sai là bất hợp lý. Riêng các điểm trông giữ xe trên phố Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, 34-38 Hai Bà Trưng, Sở cấp phép là để phục vụ nhu cầu của người dân đến giao dịch hành chính chứ không thu phí. Với ý kiến kết luận cấp phép cả trên các tuyến phố cấm, Sở giải thích rõ, ban đầu TP cấm trông giữ xe trên lòng đường, vỉa hè tại 268 tuyến phố. Qua khảo sát thực tế, việc cấm này đã gây khó khăn cho nhân dân trong việc tìm chỗ dừng, đỗ xe. Do đó, TP đã giao liên ngành rà soát lại các điểm không ảnh hưởng nhiều đến giao thông đô thị để cấp phép, nhất là tại các khu vực bệnh viện, công sở, cơ quan ngoại giao... Tuy nhiên, các điểm này không được sử dụng vào mục đích thu phí. Xin nói thêm, tất cả các điểm trông giữ xe hiện nay đều là cấp phép tạm thời và sẽ thu hồi lại ngay sau khi các dự án giao thông tĩnh nằm trong quy hoạch của Hà Nội được triển khai, đáp ứng tốt nhu cầu đỗ xe của nhân dân Thủ đô.
Cũng liên quan đến KLTT này, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, việc thanh tra chính là động thái tích cực nhằm phát hiện những bất cập, qua đó giúp TP Hà Nội chấn chỉnh công tác quản lý lòng đường, vỉa hè góp phần bảo đảm trật tự ATGT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.