Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sở đợi Bộ, Bộ trách Sở - Doanh nghiệp chờ… cấp cứu

Trọng Quang| 07/05/2011 06:57

(HNM) - Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội khóa XII (QH) thông qua ngày 23-11-2009, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Tuy nhiên, đã hơn 4 tháng trôi qua vẫn chưa có nghị định hay thông tư hướng dẫn chính thức nào từ phía các cơ quan chức năng. Nhiều phòng khám tư nhân muốn xin cấp mới, chuyển địa điểm, hay bổ sung chức năng khám, chữa bệnh… đang phải


Bốn tháng sau khi Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực nhưng thiếu hướng dẫn
khiến nhiều cơ sở y tế rơi vào tình cảnh khó khăn. Ảnh: Hữu Oai


Mất bạc triệu mỗi ngày vì chờ hướng dẫn

Chị Ninh Thị Thảo là một bác sĩ tay nghề cao ở ngoại tỉnh về Hà Nội thuê địa điểm, mở phòng khám đa khoa tư nhân trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, không khỏi bức xúc khi chị đã có đầy đủ hợp đồng thuê nhà, hợp đồng phòng cháy, chữa cháy, máy móc thiết bị y tế đã được thẩm định, nhân viên, y tá đã thuê… nhưng vẫn chưa được cấp phép hoạt động, bởi theo mục 6 của văn bản 8872-BYT-KCB của Bộ Y tế, từ ngày 1-1-2011 những người lần đầu xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân phải chờ nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ngày tháng trôi đi, tiền thuê nhà, lương nhân viên, chi phí điện, nước, điện thoại… vẫn phải trả, trong khi cơ sở khám bệnh của chị vẫn phải "dài cổ" nằm chờ hướng dẫn không biết tới bao giờ (!?).

Chủ đầu tư phòng khám đa khoa New Life ở khu Trung Hòa - Nhân Chính (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) còn rơi vào tình trạng bi đát hơn, khi đã chót đầu tư hàng triệu USD cho cơ sở, trang thiết bị y tế tối tân để bảo đảm khám, chữa bệnh theo cách hiện đại, nhưng đến nay mới chỉ được cấp phép khám, chữa bệnh đơn giản như một trạm xá phường, trong khi đó vẫn phải chờ bổ sung "phạm vi hành nghề" (thực chất là giấy phép con) cho các máy móc, thiết bị y tế tối tân (đã được nhập về và qua kiểm định, cấp phép của Sở KHCN) như máy cộng hưởng từ, CT - Scaner, X-quang số, máy chụp tuyến vú… Ông Nguyễn Công Phúc, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp (DN) New Life cho biết: Mỗi ngày mở mắt ra DN của ông đã mất vài chục triệu đồng. Riêng lượng máy móc của New Life đã nhập về, nhưng chưa được phép hoạt động đã có trị giá hơn 2,5 triệu USD. Đó là chưa kể những chi phí thường xuyên (tiền thuê địa điểm, điện, nước, vệ sinh môi trường…) cùng tiền lương vẫn phải trả đều đặn cho các bác sĩ nước ngoài, nhân viên y tế, bảo vệ, lao công…

Tương tự hai cơ sở trên, hơn 4 tháng qua chỉ tính riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng trăm cơ sở khám, chữa bệnh mới phải rơi vào tình cảnh "khóc dở, mếu dở" bởi chưa được cấp phép hoạt động, chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, hoặc bỗng dưng phải đóng cửa (đối với một số trường hợp cơ sở y tế chuyển địa điểm mới, muốn bổ sung chức năng hành nghề, hoặc thay người quản lý…). Sự chuẩn bị yếu kém đã khiến một bộ luật mới đến thời hạn có hiệu lực mà không được đi vào cuộc sống đã gây ra những bức xúc không đáng có cho đời sống xã hội.

Lý giải của các cơ quan quản lý

Khi được hỏi về việc thực thi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng như tình trạng tạm ngưng cấp phép và chứng chỉ hành nghề hiện nay, ông Tô Tử Anh, Phó phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: Ngày 23-12-2010, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 9308-VPCP-KGVX về việc "Hướng dẫn tạm thời việc thực hiện khoản 6 điều 25 Luật Khám bệnh, chữa bệnh", yêu cầu: "Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn tạm thời về việc hoạt động của các cơ sở y tế và người hành nghề y dược tư nhân đã được cấp chứng chỉ hiện đang hoạt động, bảo đảm đúng với tinh thần Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009" và "không làm ảnh hưởng đến việc khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân". Ngay sau đó, ngày 23-12-2010, Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 8872-BYT - KCB gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, Bộ Y tế có hướng dẫn là cơ sở khám bệnh - chữa bệnh tư nhân, người hành nghề y tế tư nhân (kể cả cán bộ, công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ) đã có giấy phép và đang hoạt động hoặc hành nghề vào thời điểm Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực (ngày 1-1-2011) vẫn được tiếp tục hoạt động, hành nghề…

Tuy nhiên, ở mục 6 của văn bản số 8872-BYT-KCB của Bộ Y tế còn có quy định: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lần đầu xin cấp phép hoạt động; người lần đầu xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân từ ngày 1-1-2011 sẽ phải chờ cho đến khi Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành luật có hiệu lực. Với nội dung như vậy, thì tất cả các phòng khám đã đầu tư trang thiết bị và con người, nhưng chưa nộp được hồ sơ xin cấp phép lên các sở y tế địa phương và do đó chưa được cấp giấy phép trước ngày 1-1-2011, đều phải chờ. Các cơ sở muốn chuyển địa điểm hoạt động cũng phải đình lại để chờ văn bản hướng dẫn. Các cơ sở muốn bổ sung thêm chức năng cũng không thể nộp hồ sơ xin phép…

Theo ông Tô Tử Anh, Sở Y tế Hà Nội đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, kiên quyết không nhận hồ sơ bắt đầu từ ngày 1-1-2011. Còn việc chậm có nghị định và thông tư hướng dẫn thì không thuộc lĩnh vực giải quyết của Sở. Lãnh đạo Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) có biết tới nỗi bức xúc của cơ sở, nhưng hiện cũng lúng túng, không biết giải quyết thế nào, ngoài việc hướng dẫn họ tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để đợi cấp phép theo đúng luật định…

Sau nhiều lần liên hệ qua điện thoại, cuối cùng tới ngày 4-5-2011 chúng tôi cũng đã làm việc được với Cục Quản lý khám, chữa bệnh (cơ quan chuyên môn giúp Bộ Y tế trong lĩnh vực này). Một lãnh đạo Cục cho biết: Về Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật. Thực hiện chương trình công tác của Chính phủ năm 2010, Bộ Y tế được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung này của luật, trong các quy định tại Khoản 6, Điều 25 về cấp phép. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên trong quá trình xây dựng nghị định có gặp nhiều khó khăn. Bộ Y tế đã phải dành nhiều thời gian để tổ chức hội thảo lấy ý kiến thống nhất. Mãi tới tháng 11-2010, Bộ mới trình được dự thảo nghị định, trong khi từ ngày 1-1-2011, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã bắt đầu có hiệu lực nên quá trình hoàn thiện các văn bản có phần bị động. Nỗi bức xúc của cơ sở khám, chữa bệnh, lãnh đạo Bộ Y tế đã biết và hiện đang khẩn trương chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện dự thảo hướng dẫn thi hành luật để khi có nghị định (dự tính trong tháng 5-2011) là sẽ ban hành ngay văn bản hướng dẫn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho rằng, trong một số trường hợp các sở y tế, các bệnh viện cũng không nên quá ỷ lại, trông chờ vào hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế. Bởi bản thân Bộ luật đã có hiệu lực trực tiếp, có không ít nội dung đã được quy định chi tiết thông qua luật, chỉ việc thực hiện đúng luật mà không cần phải chờ hướng dẫn…

Thay cho lời kết

Rõ ràng là trước khi đưa một luật mới vào cuộc sống cần có sự chuẩn bị chu đáo, tính toán kỹ lưỡng từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, mà trong trường hợp này trách nhiệm đầu tiên là thuộc Bộ Y tế. Theo lời bác sĩ Phạm Khanh, trưởng một phòng khám răng - hàm - mặt có uy tín ở quận Đống Đa thì việc chậm trễ ra văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh không chỉ làm thiệt hại cho các DN, phòng khám tư, mà còn gây bức xúc cho người bệnh, bởi người dân sẽ có ít lựa chọn hơn mỗi khi phải đi khám, chữa bệnh, trong bối cảnh các cơ sở y tế của Nhà nước thường bị quá tải và dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Ngoài ra, việc tạm ngừng cấp phép, hay chứng chỉ hành nghề trong nhiều lĩnh vực còn có thể là mảnh đất tốt để phát sinh tiêu cực. Ai có thể khẳng định được rằng trong 4 tháng qua, cả nước lại không có chuyện "lách luật" với mục đích trục lợi riêng (đơn cử như việc sau ngày 1-1-2011 vẫn cứ cấp phép, nhưng ghi lùi lại ngày tháng trước ngày 31-12-2010 để hợp pháp hóa việc cấp phép). Nếu như có tình trạng như vậy ở cấp sở thì các cơ quan thanh tra khó có thể phát hiện.

Mong rằng, nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ sớm được ban hành, đáp ứng nguyện vọng của người dân, khắc phục những tồn tại bất hợp lý như hiện nay, góp phần tích cực vào công cuộc xã hội hóa y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở đợi Bộ, Bộ trách Sở - Doanh nghiệp chờ… cấp cứu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.