Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Sờ” đâu cũng thấy sai phạm

Ngô Nguyên - Nghiêm Ý| 06/12/2014 07:08

(HNM) - Không lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất dẫn đến việc phát triển không gian, kiến trúc đô thị chắp vá; hàng nghìn héc ta đất rừng giao ngoài quy hoạch cho doanh nghiệp thuê trồng cao su vi phạm Luật Đất đai; hàng loạt dự án thủy điện chậm tiến độ... Đó là kết luận của Thanh tra Chính phủ

Theo kết luận số 2834/TB-TTCP ngày 19-11-2014 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý, sử dụng đất đai từ năm 2001 đến 2010 của tỉnh Gia Lai thì mức độ sai phạm ở địa phương này nghiêm trọng không thua Bình Dương.

Do thiếu quy hoạch nên TP Pleiku phát triển chắp vá, không đồng bộ.


Cụ thể, có 16/17 huyện và 166/222 xã không có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, thành phố Pleiku, trung tâm chính trị văn hóa của tỉnh, nơi đất đai có giá trị sử dụng cao, nhưng UBND thành phố không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở để quản lý xây dựng đô thị dẫn đến việc phát triển không gian, kiến trúc đô thị chắp vá, thiếu đồng bộ, không phù hợp với quy chuẩn thành phố đô thị loại II. Việc giao đất ở tại thành phố Pleiku, thị xã An Khê và huyện Chư Păh chưa tuân thủ các quy định như giao đất không đúng quy hoạch, không tổ chức đấu giá đất, giao đất theo khung giá cho các đối tượng không đủ tiêu chuẩn, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Chưa hết, đối với các dự án giao đất để phát triển kinh doanh nhà, từ năm 2004 đến năm 2010, UBND tỉnh Gia Lai đã giao đất cho một số đơn vị để thực hiện các dự án Khu phố mới Hoa Lư - Phù Đổng, dự án Khu đô thị Cầu Sắt và tiền đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Hội Phú, Dự án Khu dân cư Phượng Hoàng I. Tuy nhiên UBND tỉnh Gia Lai đã không tổ chức đấu giá mà giao đất có thu tiền sử dụng đất. Việc 7 năm chưa xác định giá đất tại Dự án Khu dân cư Phượng Hoàng I; 3 năm chưa tính ra giá đất với Dự án Khu phố mới Hoa Lư - Phù Đổng (giai đoạn 2) là quá chậm. UBND tỉnh Gia Lai còn thiếu đôn đốc, trong việc thu tiền giao đất lần 1 của dự án Khu phố mới Hoa Lư - Phù Đổng theo đúng quy định của Nhà nước và thỏa thuận giữa UBND tỉnh với Công ty FBS (để Công ty FBS nợ hơn 6 tỷ đồng). Đối với dự án Khu đô thị Cầu sắt và Trung tâm thương mại Hội Phú, các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai chưa tiến hành quyết toán, đối trừ tiền giải phóng mặt bằng và tiền đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Hội Phú do Công ty cổ phần GP Highland ứng trước (như chấp thuận của UBND tỉnh Gia Lai) vào tiền sử dụng đất các dự án nên để Công ty cổ phần GP Highland nợ tiền sử dụng đất trên sổ sách hơn 134 tỷ đồng. Theo Thanh tra Chính phủ, việc thẩm định không đúng, buông lỏng giám sát như trên gây thất thoát ngân sách nhà nước gần 56 tỷ đồng (do các dự án chưa quyết toán).

Kết luận Thanh tra cũng chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý rừng ở Gia Lai. Cụ thể, liên quan đến chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, UBND tỉnh Gia Lai đã buông lỏng quản lý rừng và lâm sản tận thu khi chuyển rừng nghèo sang trồng cây cao su. Cụ thể, diện tích rừng khi giao đất trồng cao su thiếu hụt so với diện tích rừng khi lập và phê duyệt quy hoạch là 1.061,4ha; số lượng gỗ tận thu năm 2008 thiếu hụt 31.493,2m3 thành tiền là gần 38,8 tỷ đồng, so với biên bản xác định khối lượng gỗ tận thu và giấy phép khai thác.

Việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền ký quỹ phục hồi môi trường, thuế tài nguyên cũng chưa được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm, đôn đốc, xử lý kịp thời theo đúng các quy định của Nhà nước, dẫn đến số tiền nợ đọng ở các huyện và các dự án trồng cao su, thủy điện, khoáng sản đến 31-12-2012 lên tới gần 74,6 tỷ đồng…

Từ kết luận trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các sai phạm trong quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; giao Bộ NN&PTNT kiểm điểm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phát triển và bảo vệ rừng; thu hồi và giảm trừ quyết toán gần 2 tỷ đồng trong các dự án đầu tư xây dựng; kiểm tra, rà soát để xử lý số tiền 58,6 tỷ đồng của dự án Khu phố mới Hoa Lư - Phù Đổng do Công ty FBS chủ đầu tư; thu hồi 24,96 tỷ đồng, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do các huyện, thành phố quản lý còn nợ; 2,2 tỷ đồng tiền tính giá đất không đúng cho Công ty TNHH TM Vinh Quang I tại dự án Công viên Trà Đa; thu hồi 8,2 tỷ đồng tiền nợ đấu giá gỗ tại các dự án trồng cao su.

Nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng

Không chỉ có vậy, từ năm 2005 đến năm 2012, UBND tỉnh đã cấp 67 giấy phép khai thác khoáng sản với diện tích 105,765ha và 5.804m dọc theo các sông, suối khi chưa có quy hoạch. Tất cả các mỏ được cấp phép khai thác đều không được các sở chuyên ngành thẩm định thiết kế cơ sở là vi phạm Điều 1 Nghị 112/2006/NĐ-CP .

Đáng nói là với 74 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ có tổng công suất 421,065MW ở địa phương này, theo kết luận thanh tra thì UBND tỉnh Gia Lai chưa chỉ đạo các ngành chức năng công bố quy hoạch thủy điện theo trình tự thủ tục quy định; quá trình chấp thuận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định dự án chưa đúng với quy hoạch được duyệt (16/28 dự án), dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch. Đặc biệt là có hiện tượng vừa thi công vừa xin điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến việc quản lý chất lượng công trình rất khó khăn, tiềm ẩn hậu quả do chất lượng không bảo đảm. Đến nay còn 33 dự án thủy điện thi công chậm tiến độ; UBND tỉnh Gia Lai đã thu hồi 2 dự án (dự án IaKrel 1 và Krông Pa 3); đề nghị thu hồi 14 dự án do chậm tiến độ, loại bỏ quy hoạch 17 dự án; do hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng không tốt tới môi trường xã hội.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện ra nhiều sai phạm trong việc quản lý đầu tư xây dựng một số dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Cụ thể, UBND tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai ban hành các văn bản pháp quy chậm so với hiệu lực văn bản cấp trên; có văn bản nội dung không phù hợp, dẫn đến kéo dài thời gian, gây chậm trễ cho quá trình thực hiện dự án. Điều chỉnh quy mô 2/17 dự án không đúng quy định (dự án Hội trường chung thị xã An Khê; dự án Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Đoa), vi phạm khoản 2, Điều 40, Luật Xây dựng. Điều chỉnh tổng mức đầu tư 5/17 dự án không đúng quy định làm tăng tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng. Quá trình lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, không đúng trình tự thủ tục; nghiệm thu khối lượng không đúng thực tế dẫn đến chất lượng công trình xây dựng không bảo đảm như: dự án đường Chư A Thai - Ia Yeng, đường Hùng Vương (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh); đường Nguyễn Chí Thanh (thành phố Pleiku). Về công tác đấu thầu còn nhiều vi phạm như lập hồ sơ mời thầu không đúng, có xu thế thiên lệch, tách nhỏ dự toán để dùng hình thức chỉ định thầu trái quy định; có dấu hiệu thông thầu làm giảm khả năng cạnh tranh trong đấu thầu. Đặc biệt nghiêm trọng là việc tỉnh này đã buông lỏng quản lý để Công ty cổ phần Bình An tạm ứng 20,241 tỷ đồng tiền thi công 4 công trình trúng thầu, nay không có khả năng thanh toán.

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng thuộc Thường trực UBND tỉnh Gia Lai; các sở Tài chính, KH&ĐT, Xây dựng, NN&PTNT và UBND các huyện, thành phố, thị xã có các dự án, các chủ đầu tư và các nhà thầu tư vấn, thi công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Sờ” đâu cũng thấy sai phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.