(HNMO) - Tính đến 6h ngày 16-4, toàn thế giới ghi nhận 2.075.532 ca nhiễm Covid-19 tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 134.286 ca tử vong và 509.577 người đã hồi phục.
Châu Mỹ
Mỹ vẫn là tâm điểm dịch Covid-19 của thế giới khi đã có 641.813 ca dương tính và hơn 28.000 người tử vong. Ngày 15-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, các số liệu cho thấy nước này đã vượt qua giai đoạn đỉnh dịch và ông chủ Nhà Trắng sẽ sớm công bố hướng dẫn mới về việc mở cửa lại nền kinh tế trong cuộc họp báo ngày 16-4.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết đã thay đổi cách thống kê số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 tại nước này, trong đó sẽ tính cả các trường hợp có thể liên quan tới Covid-19, thay vì chỉ thống kê các ca có kết quả xét nghiệm dương tính.
Quyết định này được đưa ra khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có những người nhiễm bệnh không có triệu chứng rõ rệt và chưa được xét nghiệm. Điều này có thể khiến số liệu tại Mỹ tăng nhanh bởi trước đây, hầu hết các tiểu bang chỉ báo cáo các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, bang này sẽ bắt đầu báo cáo tất cả các trường hợp tử vong theo hướng dẫn mới của CDC và đang liên hệ với các cơ sở y tế để cập nhật số liệu. Bang New York vẫn là tâm dịch của Mỹ với hơn 10.000 ca nhiễm mới và thêm 752 trường hợp tử vong được ghi nhận trong ngày 15-4.
Trong bối cảnh Tổng thống D.Trump tuyên bố đình chỉ khoản đóng góp của Mỹ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các quan chức trong chính quyền nước này cho biết, khoản viện trợ trị giá khoảng 400 triệu USD vốn dự kiến dành cho WHO trong năm nay sẽ được chuyển hướng tới các đối tác và nhóm viện trợ khác.
Châu Âu
Trong ngày 15-4, hàng loạt quốc gia như Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Đức, Anh… tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 4 chữ số.
Nước Anh tiếp tục có số ca tử vong cao nhất trong số các nước tại châu Âu, ở mức 761 người và tổng cộng đã có 12.868 người thiệt mạng từ đầu dịch, đứng thứ năm trên thế giới.
Ông Chris Whitty, Cố vấn y tế hàng đầu của Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định, sự bùng phát của dịch Covid-19 tại Anh có lẽ đang lên tới đỉnh điểm, song vẫn còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp hạn chế. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh giới quan sát cảnh báo xứ sở sương mù có thể sẽ là quốc gia có tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 cao nhất châu Âu và chỉ trích sự phản ứng kém hiệu quả của chính phủ.
Italia ngày 15-4 ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 giảm ngày thứ tư liên tiếp và ở mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng, với thêm 2.667 ca dương tính và 578 ca tử vong.
Tại Pháp, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết, Chính phủ nước này sẽ thưởng cho các nhân viên y tế đã phục vụ các bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2 một khoản tiền 1.500 euro nhằm động viên và khích lệ những đóng góp của họ trong cuộc chiến ứng phó với đại dịch. Ngoài ra, họ sẽ nhận được mức lương làm ngoài giờ cao hơn so với bình thường trong giai đoạn dịch bệnh cao điểm hiện nay.
Chính phủ Áo cho biết, từ ngày 1-5 tới, nước này sẽ cho phép nối lại hoạt động của một số môn thể thao có khả năng duy trì giãn cách xã hội như tennis, golf. Đây cũng là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế. Trong tuần tới, khoảng 600 vận động viên hàng đầu nước này sẽ được phép tiếp tục các hoạt động luyện tập.
Ngày 15-4, các bộ trưởng, nghị sĩ, đại diện hiệp hội doanh nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) cùng một số tổ chức phi chính phủ và viện chính sách đã ký cam kết thành lập Liên minh Phục hồi kinh tế xanh hậu Covid-19 và nhất trí thực hiện các giải pháp chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch, song song với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ngày 15-4, tại cuộc họp trực tuyến với các thành viên chính phủ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố về các biện pháp bổ sung nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch Covid-19, đặc biệt là các công ty nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch, khách sạn, nhà hàng…
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, chính phủ nước này hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực và hành động của WHO trong cuộc chiến chống Covid-19, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhiều chỉ trích và quyết định đình chỉ viện trợ cho tổ chức này.
Châu Á
Truyền thông Nhật Bản cho biết, chính phủ nước này dự kiến trong tháng này sẽ đưa ra một đánh giá “ảm đạm” nhất về nền kinh tế trong hơn 1 thập kỷ qua, khi đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc tới tiêu dùng và sản lượng của các nhà máy trên cả nước.
Theo tờ Nikkei, lần cuối cùng chính phủ Nhật Bản mô tả nền kinh tế trở nên tồi tệ là 11 năm trước, khi cuộc khủng hoảng toàn cầu làm rung chuyển thị trường tài chính và đẩy Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái. Đánh giá của chính phủ sẽ ảnh hưởng tới cách Ngân hàng Nhật Bản mô tả triển vọng kinh tế trong cuộc họp về lãi suất dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.