(HNM) - Khởi xướng từ năm 2009, hoạt động sinh viên (SV) đánh giá giảng viên (GV) sau một thời gian triển khai được chuyển sang gọi là
Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.Ảnh: Phương An |
Thiếu phương pháp chuẩn
Bên cạnh những kết quả khả quan của việc lấy ý kiến phản hồi về GV từ SV đã được ghi nhận trong những năm học qua, có một nhận định chung là hoạt động này còn thiếu những phương pháp đánh giá đem lại hiệu quả cao. Do chưa có quy định thống nhất về quy trình, nội dung, cách thức đánh giá cụ thể nên các trường tổ chức thực hiện theo cách riêng của mình. Nhiều trường giao cho từng khoa, có trường quy về bộ phận phụ trách công tác quản lý SV. Phiếu lấy ý kiến có thể dưới dạng khảo sát được phát tận tay SV hay được thực hiện trên mạng.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phát các phiếu khảo sát cho SV, nội dung có 15 tiêu chí với 5 mức nhận xét: Rất tốt, tốt, được, không được và không có ý kiến. Các tiêu chí thể hiện đánh giá về nội dung và phương pháp giảng dạy của GV, gồm: Tìm kiếm tài liệu phục vụ dạy - học và khuyến khích tư duy; tiến độ, thời lượng môn học và trách nhiệm của GV; sự công bằng, khách quan và phạm vi ảnh hưởng của GV; giọng nói và hiệu quả sử dụng phương tiện dạy học; kỹ năng tổ chức và sự quan tâm của GV đối với người học và tác phong sư phạm... cho thấy bản khảo sát trên mang tính đặc thù cho ngành đào tạo sư phạm của nhà trường.
Trong phiếu lấy ý kiến của ĐH Đà Nẵng có 2 phần, phần 1 gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm và phần 2 là nội dung mở để SV đưa ra nhận xét, kiến nghị. Ở đây, GV được lấy ý kiến theo 6 tiêu chí: Kiến thức, phương pháp giảng dạy, phương tiện tài liệu, kiểm tra đánh giá, quan hệ giao tiếp và đánh giá chung. Nói về hoạt động đánh giá GV của trường mình, một SV Trường ĐH Đà Nẵng cho rằng: Nhiều tiêu chí đưa ra đánh rất "trúng" tâm lý SV, vào những điều mà SV quan tâm nhất, nhưng cũng có nhiều nội dung na ná nhau, dẫn đến trùng lặp. Bên cạnh đó, không ít SV cũng thừa nhận rằng, dù nội dung gì được đưa vào trong tiêu chí thì các GV có phong cách dễ gần, thường cho điểm cao, rộng rãi trong đánh giá SV vẫn thường được SV "chấm điểm" theo cảm tính. Còn đa số SV các trường thực hiện lấy ý kiến qua trang web nhà trường cho biết họ cảm thấy bị thúc ép, không thoải mái khi tham gia đánh giá GV vì bản khảo sát được đưa ra khi SV truy cập lịch học hay bảng điểm. Điều này đòi hỏi SV phải hoàn thành phiếu rồi mới có thể truy cập nội dung tiếp theo. Như vậy, SV nào cũng phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đánh giá GV. "Tuy nhiên, điều đó cũng tạo nên tâm lý thúc ép khiến chúng em không dành tâm huyết cho việc thực hiện các nội dung theo yêu cầu" - một SV chia sẻ…
Dẫu còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng nhìn chung khi được hỏi, đa số SV đều tỏ ý tin tưởng hoạt động đánh giá GV sẽ làm tăng không khí dân chủ trong trường ĐH và có tác động tốt tới chất lượng giảng dạy của GV.
Không nên quá "tham lam"
Bên cạnh những phiếu khảo sát được thiết kế công phu, hợp lý, có trường chỉ có vỏn vẹn 4 câu hỏi cho SV trong bản lấy ý kiến. Cũng có trường lại đưa ra bản khảo sát quá chi tiết khiến SV cảm thấy rối với quá nhiều tiêu chí, nhận xét nên nhiều SV chỉ đánh dấu cho xong.
Để hoạt động lấy ý kiến phản hồi phản ánh đúng thực tế, một chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm: Phiếu khảo sát không nên quá "tham lam" nhiều nội dung mà cần xác định chính xác mục đích của việc lấy ý kiến phản hồi của SV, đó là nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Vì vậy, nhiều người cho rằng, có những nội dung xa rời mục đích chính, sa đà vào công việc của các bộ phận khác, như đánh giá về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo... Có chuyên gia đặt câu hỏi, liệu nội dung đánh giá có tính khoa học hay không khi nó bao gồm cả các yếu tố khác như số giờ giảng hay công tác nghiên cứu khoa học... Ngoài ra, có một số khuyến cáo rằng, trong kết quả ý kiến phiếu phản hồi của SV, rất dễ có xu hướng số nhận xét tốt tỷ lệ thuận với sự "dễ dãi" về đánh giá của GV đối với SV.
Đại diện của ĐH Khoa học Huế chia sẻ kinh nghiệm: Dù mỗi trường có một mẫu phiếu khảo sát riêng, nhưng cần bảo đảm một số tiêu chí nhất định và tùy theo mức độ quan trọng của các tiêu chí, các trường sẽ quyết định số lượng câu hỏi cho mỗi tiêu chí. ĐH Khoa học Huế cũng đưa vào phiếu phần ý kiến mở để SV tự đánh giá. Trong đợt triển khai lấy ý kiến gần đây nhất, Trường ĐH Văn hóa quyết định dựa trên đề nghị của các lớp, lựa chọn những thầy cô được đề nghị nhiều nhất để phát phiếu cho các lớp nhận xét. Có hai danh sách được đưa ra: Các GV mà SV muốn nhận xét khen ngợi và các GV còn có những điểm hạn chế, SV muốn nhận xét góp ý. Nhằm bảo đảm cho hoạt động này không gây ảnh hưởng tới SV, việc lấy ý kiến sẽ chỉ được triển khai với những môn học đã hoàn thành, đã tổ chức thi xong và đã công bố điểm.
Dẫu đang trong quá trình hoàn thiện quy trình cũng như các tiêu chí, hoạt động đánh giá GV đang dần trở thành những hoạt động đào tạo nhân lực, giúp các trường đánh giá chính xác hơn chất lượng đào tạo cũng như đội ngũ của mình, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.