Theo điều tra mới nhất của công ty tư vấn nguồn nhân lực quốc tế ECA International (Anh), năm 2010, thủ đô Singapore là nơi tốt nhất để sinh sống đối với người châu Á di cư.
Theo điều tra mới nhất của công ty tư vấn nguồn nhân lực quốc tế ECA International (Anh), năm 2010, thủ đô Singapore là nơi tốt nhất để sinh sống đối với người châu Á di cư.
Sydney (Australia) đứng thứ hai, tiếp đến là Kobe, Yokohama, Tokyo (Nhật Bản), Copenhagen (Đan Mạch) và thủ đô hành chính Canberra của Australia.
ECA International đưa ra kết quả trên dựa vào các chỉ số như: cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế, tỷ lệ tội phạm và chất lượng không khí.
Theo đánh giá chung của ECA International, ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng ở nhiều thành phố châu Á.
Các thành phố như New Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh, Hongkong (Trung Quốc), là những nơi có chất lượng không khí khí kém nhất thế giới.
Singapore- thành phố có môi trường tốt nhất châu Á
Singapore nổi tiếng là thành phố rất xanh và sạch. Đây là thành phố có môi trường tốt nhất châu Á. Ngay từ năm 1970, Singapore đã thành lập đơn vị chống ô nhiễm APU có nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí và thanh tra, kiểm soát các ngành công nghiệp mới.
Hàng năm, Singapore phát động phong trào "Làm đẹp thành phố như vườn hoa." Hưởng ứng Tết trồng cây vào tuần đầu của tháng 11, người dân Singapore đã tích cực tham gia trồng cây. Trên các đường phố, dọc hai bên đường cây cối luôn xanh tươi.
Chính quyền Singapore đã đầu tư hơn 447 triệu USD để xây dựng bãi rác Semakau với tổng diện tích 350ha. Mỗi ngày, Semakau tiếp nhận 2.000 tấn tro rác. Theo dự kiến, bãi rác Semakau sẽ đầy vào năm 2040.
Người dân Singapore đã thực hiện tốt 3R: Reduce (giảm sử dụng), Reuse (dùng lại) và Recycle (tái chế), để kéo dài thời gian sử dụng bãi rác Semakau và cũng giảm việc xây dựng nhà máy đốt rác mới.
Tại Singapore, trên các thùng rác công cộng đều ghi những hàng chữ bằng tiếng Anh "Đừng vứt đi tương lai của bạn" kèm với biểu tượng “recycle.”
Chính phủ Singapore còn triển khai các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về môi trường của người dân, nhằm khuyến khích họ tham gia tích cực bảo vệ và gìn giữ môi trường.
Chương trình giáo dục về môi trường đã được đưa vào giảng dạy tại các trường học trong cả nước. Ngoài các chương trình chính khoá, học sinh còn được tham gia các chuyến đi dã ngoại đến các khu bảo tồn thiên nhiên./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.