(HNM) - Trong cuộc họp báo của Chính phủ vào ngày thứ năm tuần này, Thủ tướng Chính phủ đã vui mừng thông báo những tiến bộ mới của công tác cải cách hành chính (CCHC). Đó là việc cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC) đang diễn ra hết sức thuận lợi, thậm chí nhiều ngành, địa phương đăng ký vượt chỉ tiêu cắt giảm 30%.
5.700 là số TTHC ở 4 cấp vừa được thống kê. Thủ tướng đã ra chỉ tiêu cho các bộ, ngành, các cấp địa phương cắt giảm tối thiểu 30% số TTHC đang có. Có rất nhiều lý do để đưa ra chỉ tiêu này, bởi chỉ cần căn cứ trên dư luận thời gian qua cũng đủ thấy TTHC bị kêu ca rất nhiều về sự rườm rà, phức tạp đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Hầu như TTHC ở cấp nào, ngành nào cũng bị đánh giá là gây khó khăn cho việc thực hiện. Khó khăn ở đây là vừa tốn công vừa tốn của. Nhiều thủ tục tưởng đơn giản lại hóa ra phức tạp, có khi người dân không biết bắt đầu từ đâu, phải làm thế nào để hoàn thành một TTHC... Những con số này, một mặt cho thấy, CCHC là vô cùng cần thiết, là yêu cầu cấp bách hiện nay; mặt khác cho thấy, Chính phủ đang thực hiện những biện pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân.
Một số sở, ngành của TP Hồ Chí Minh đã đăng ký cắt giảm trên 40% số TTHC hiện có; tỉnh Quảng Ninh cho biết sẽ cắt giảm và chỉnh sửa đến trên 60% TTHC; các ngành thuế và hải quan đã rà soát và thấy rõ có thể cắt giảm được trên 40% TTHC ngành mình... Những con số này đã làm nhiều người ngạc nhiên đến sửng sốt. Bởi TTHC phức tạp, rườm rà thì đã rõ, nhưng không phải ai cũng định lượng được sự phức tạp, rườm rà lại "ghê gớm" đến vậy. TTHC liên quan hằng ngày đến hầu hết mọi hoạt động trong xã hội. Mỗi TTHC đều liên quan trực tiếp đến thời gian và tiền bạc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và cả Nhà nước (chưa kể những tổn hại tinh thần). Có thể dễ dàng thấy được những lãng phí to lớn mà số TTHC sắp được chỉnh sửa hoặc cắt giảm đã gây ra trong xã hội. Ngược lại, nếu cắt giảm được số TTHC đó, chúng ta (người dân, tổ chức, doanh nghiệp và Nhà nước) có thể tiết kiệm được khối lượng của cải, vật chất, thời gian chưa thể thống kê chính xác, nhưng chắc chắn là rất lớn.
Tinh giản và hoàn thiện hệ thống TTHC có thể coi là biện pháp "siêu" tiết kiệm. Chính vì vậy, cần thúc đẩy càng nhanh càng tốt công việc này. Công tác giám sát, kiểm tra việc rà soát, tinh giản TTHC cần được chú trọng hơn nữa. Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ đưa việc thực hiện CCHC trở thành một tiêu chí xem xét thi đua, đề bạt cán bộ. Tuy nhiên, biện pháp này cần được kết hợp chặt chẽ với công tác giám sát, kiểm tra mới có thể đem lại hiệu quả thiết thực.
Hiệu quả "siêu" tiết kiệm mà chúng ta nhìn thấy trong việc tinh giản TTHC là con đường thực hành tiết kiệm thiết thực và hiệu quả nhất cần được nhân lên và mở rộng. Vì trên thực tế, lĩnh vực TTHC mới chỉ là một phần của hệ thống cơ chế, chính sách nói chung vốn đang tồn tại nhiều thiếu sót, hạn chế cần khắc phục ngay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.