(HNM) - Chiều 23-11, đón con trai đi học về, chị Nga (phố Thái Thịnh, quận Đống Đa) bảo con lấy bánh caramen ăn. Đúng món yêu thích, cậu con trai vội mở tủ lạnh lấy bánh. Vừa ăn được một thìa, cậu bé đã hét toáng:
- Mẹ ơi, sao chua thế, không phải bánh mẹ mua lần trước à?
Bán tín bán nghi, chị Nga chạy vào xem, thì thấy váng nước màu nâu đã tách khỏi phần bột vàng. Đưa hộp bánh lên mũi, chị Nga thấy có mùi chua nồng. Hộp bánh này vừa mua hai hôm trước tại Siêu thị Hapro ở tầng 1, tòa nhà Hà Thành số 102 phố Thái Thịnh, cô bán hàng bảo là thời hạn sử dụng của bánh trong vòng 4 ngày, không hiểu sao lại nhanh hỏng đến thế? Cẩn thận, chị tìm vỏ hộp bánh con trai vừa mở, đọc được dòng chữ "Công ty cổ phần Bánh ngọt Anh Hòa, caramen, với thành phần: Lòng đỏ trứng gà, đường kính trắng, sữa tươi". Trên nhãn cũng có cả số đăng ký chất lượng, hạn sử dụng 4 ngày, kể từ ngày sản xuất, nhưng phần ghi ngày sản xuất lại để trống và cũng chẳng thấy số điện thoại cũng như địa chỉ doanh nghiệp ở đâu...
Trong thư gửi NXD, chị Nga đặt câu hỏi: Cứ cho là Công ty cổ phần Bánh ngọt Anh Hòa "vô tình đánh rơi" mất những thông tin về mình trên vỏ bao bì, nhưng không lẽ Siêu thị Hapro lại dễ dàng cho nhập và bán những loại sản phẩm "tù mù" về chất lượng, xuất xứ... như vậy? Rõ ràng hai đơn vị này đều đã vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hiệu hàng hóa. Không những thế, nếu người tiêu dùng, nhất là trẻ nhỏ vô tình ăn phải caramen quá "đát" thì hậu quả thật khó lường...
Chia sẻ những điều bức xúc của chị Nga, NXD kính chuyển nội dung câu chuyện, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, ngăn chặn, không để tái diễn những hành vi tương tự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.