Ngày 6/1, siêu lừa chiếm đoạt 4.911 tỷ đồng của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm đã phải ra hầu tòa.
Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm trước Tòa |
Sáng 6/1, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử vụ đại án do bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro, quyền trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Vietinbank, Chi nhánh TPHCM) cầm đầu cùng 22 bị cáo khác.
Vụ án được đánh giá là có tính chất vi phạm nghiêm trọng, phức tạp, số tiền lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay. Do vậy HĐXX sẽ có 5 thành viên với 2 thẩm phán, 3 hội thẩm. Chánh tòa hình sự TAND TPHCM, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu ngồi ghế chủ tọa phiên tòa.
Trước đó, ngày 15/12/2013, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tống đạt quyết định xét xử sơ thẩm đến các bị cáo và những người liên quan trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” do “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm thực hiện.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố Huỳnh Thị Huyền Như hai tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Dẫn nguồn tin từ bản cáo trạng, Ban Nội chính Trung ương cho biết, từ năm 2007, Huyền Như vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010 do kinh doanh thua lỗ và trả lãi cao nên Huyền Như không có khả năng thanh toán.
Để có tiền trả nợ, từ tháng 3/2010 đến 9/2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, Huyền Như tiếp xúc với nhiều đơn vị, cá nhân đặt vấn đề gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thỏa thuận cộng lãi suất thưởng từ 18 - 36%/năm.
Đồng thời, Huyền Như thuê người làm giả 8 con dấu của Vietinbank và 7 công ty; làm giả tài liệu ngân hàng và nhiều đơn vị, giả chữ ký trên các giấy tờ chứng từ, hợp đồng... chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân hơn 4.911 tỷ đồng.
12 bị can còn lại, nhiều người nguyên là trưởng, phó, cán bộ, nhân viên tại một số chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng Vietinbank.
Ngoài 13 bị can hầu tòa, Hội đồng xét xử còn triệu tập đại diện 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân khác tham gia phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự và người bị hại trong vụ án.
Dự kiến, quá trình xét xử sơ thẩm vụ án sẽ kéo dài đến ngày 25/1.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.