(HNMO) - Gần 1 tháng trước Giải vô địch cờ vua thế giới, Tổng cục TDTT đã đồng ý thuê một HLV nước ngoài có hạng cho Đại kiện tướng Lê Quang Liêm nhằm giúp anh đạt thành tích tốt nhất tại giải. Hy vọng đó không phải là kế hoạch nhất thời.
Trước đây, đáp lại những chỉ trích vì thiếu sự quan tâm đặc biệt giành cho Siêu đại kiện tướng cờ vua Lê Quang Liêm, ông Đặng Tất Thắng-Phụ trách bộ môn cờ vua Tổng cục TDTT nói: “Tôi nghĩ, Liêm kiếm được không dưới 3 tỷ đồng/năm”.
Đúng là với một VĐV 20 tuổi mà kiếm được khoản tiền khổng lồ đó thì chẳng nên đòi hỏi làm gì, đặc biệt khi ngân quỹ của bộ môn cờ luôn eo hẹp. Nhưng thực chất, nếu không tự thân vận động trong suốt hơn chục năm qua, thì có lẽ Liêm đã không thể trở thành “Siêu” như bây giờ. Vị trí 27 thế giới trên bảng xếp hạng của Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) mới nghe thì đơn giản, nhưng đằng sau đó là ý thức, nỗ lực phi thường của Liêm cộng với chiến lược” đầu tư khoa học cả về tiền của lẫn tâm sức dạy con của gia đình em. Đó cũng là điểm khác biệt lớn nhất giữa Liêm so với Trường Sơn, và xa hơn là “đàn anh” Đào Thiên Hải. Cả 3 con người đó đều là “thần đồng” cờ vua Việt Nam, nhưng chỉ có một mình Liêm thành công là vì thế.
Và chẳng hề cảm tính khi khẳng định không chỉ ở cờ vua, mà cả các môn thể thao khác, Việt Nam không thiếu “thần đồng”. Nhưng làm thế nào để “thần đồng” trở thành những VĐV có thể gây tiếng vang trên đấu trường thế giới như Quang Liêm, Tiến Minh (cầu lông) lại là chuyện rất khác. Và giờ thì ai cũng cảm thấy dễ hiểu cho quyết định chuyển sang khoác áo đội tuyển cờ vua Hungary của nữ kỳ thủ cờ vua Hoàng Thanh Trang cách đây 5 năm.
Trong những cuộc “chảy máu” kiểu như vậy, có lẽ chẳng ai buồn. Và dường như chẳng ai muốn lấy đó làm lý do giải thích cho việc Thể thao nước nhà dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi tại mỗi giải đấu lớn trên đấu trường thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.