Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết hoạt động quảng cáo ngoài trời

Nguyễn Thanh| 01/09/2020 06:11

(HNM) - Quy chế, quy định tồn tại nhiều bất cập; các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm… khiến cho công tác quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời tại Hà Nội gặp không ít khó khăn. Chưa kể, dù các cấp, ngành thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phạm cũng như phát sinh vi phạm mới. Thực trạng này đòi hỏi phải sớm có giải pháp tháo gỡ, kết hợp các biện pháp xử lý quyết liệt nhằm siết chặt quảng cáo ngoài trời, trả lại cảnh quan văn minh, sạch đẹp cho đô thị.

Quảng cáo vượt quá chiều cao quy định trên cầu vượt đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa). Ảnh: Miên Hạo

Vi phạm nhiều, khó xử lý triệt để

Hoạt động quảng cáo ngoài trời có ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Mặc dù cơ quan chức năng của Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã tích cực vào cuộc thanh tra, xử lý hàng nghìn vụ việc mỗi năm, song vi phạm vẫn tái diễn. Trên nhiều trục đường, tuyến phố lớn thuộc các quận dễ dàng bắt gặp những biển hiệu quảng cáo vi phạm về nội dung, kích thước, kỹ thuật lắp đặt,… nhưng chưa được xử lý dứt điểm như biển quảng cáo về Công ty Bảo hiểm nhân thọ Generali trên phố Tôn Đức Thắng, quảng cáo về Công ty Vimark trên phố Cát Linh...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên bắt nguồn từ sự “chây ỳ”, thiếu ý thức của tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo. Đơn cử như hoạt động quảng cáo trên cầu vượt đi bộ, được UBND thành phố Hà Nội thí điểm từ năm 2017, với mục tiêu thu hút nguồn lực xã hội hóa, phục vụ đời sống cộng đồng. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý cho Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing (Công ty Vinasing) khai thác quảng cáo trên 45 cầu vượt đi bộ, đổi lại công ty có trách nhiệm trang bị 500 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước uống trực tiếp... trên địa bàn. Việc trang bị tiện ích phải hoàn thành trước quý IV năm 2017 và công ty chỉ được khai thác quảng cáo khi đã bàn giao 2/3 số lượng trang thiết bị. Tuy nhiên, do tiến độ bàn giao không bảo đảm, cộng với việc doanh nghiệp thực hiện quảng cáo không đúng quy định nên tháng 3-2019, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu cơ quan chức năng tạm dừng cấp phép, để kiểm tra, xử lý. 

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đặng Đức Hưng, Thanh tra Sở đã tổ chức kiểm tra, buộc tháo dỡ 10 điểm quảng cáo vi phạm do Công ty Vinasing thực hiện trên cầu vượt đi bộ tại một số quận, đồng thời xử phạt hành chính với tổng số tiền là 259 triệu đồng. Thế nhưng, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tình trạng quảng cáo không phép tại cầu vượt đi bộ vẫn tiếp diễn, điển hình trên các đường: Xã Đàn (quận Đống Đa), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Võ Chí Công (quận Tây Hồ)... Ở một số cầu vượt trên đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt,… tồn tại những khung biển quảng cáo ở mặt ngoài cầu vượt, chiều cao vượt quá thành cầu, vi phạm Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố, gây mất mỹ quan đô thị.

Bà Đinh Thị Thu, phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Từ khi cầu vượt trên đường Hoàng Quốc Việt lắp đặt biển quảng cáo, che kín khoảng thoáng 2 bên, không gian bên trong trở nên bức bí, tối tăm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự”.

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Trần Văn Thưởng, Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố được xây dựng dựa theo Thông tư số 19/2013/TT-BXD ngày 31-10-2013 của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời. Tuy nhiên, Thông tư này đã được thay thế bằng Thông tư số 04/2018/TT-BXD ngày 20-5-2018 của Bộ Xây dựng với nhiều quy định mới, dẫn đến lúng túng trong xử lý vi phạm, khó giải quyết triệt để vì đến nay Hà Nội chưa có quy chế thay thế. 

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt, do chưa có hướng dẫn xử lý đối với những biển hiệu có diện tích hơn 20m2 tồn tại trước khi có Luật Quảng cáo, nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Vi phạm về quảng cáo ngoài trời tại cầu vượt đi bộ đường Xã Đàn, quận Đống Đa.

Tăng cường giải pháp, quyết liệt xử lý

Trước thực trạng trên, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam kiến nghị, thành phố Hà Nội cần sớm bổ sung, điều chỉnh những quy định về quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời sao cho thống nhất với các văn bản hiện hành.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quảng cáo ngoài trời, kiên quyết xử lý các vi phạm; đồng thời tăng cường biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tái phạm. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, Sở có 4 văn bản kiến nghị thành phố cho phép sửa đổi Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố, phù hợp với các thông tư, quy định mới. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê các quảng cáo vi phạm, xử lý toàn bộ quảng cáo đã hết thời hạn, quảng cáo không còn phù hợp, vi phạm Luật Quảng cáo trên địa bàn, nhất là tại các cầu vượt đi bộ.

“Lực lượng chức năng sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ triệt để các nội dung quảng cáo vi phạm. Trường hợp vi phạm mang tính hệ thống, không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…, chúng tôi sẽ tạm dừng giải quyết hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo cho đến khi các tổ chức, cá nhân, nhãn hàng chấp hành xong các quyết định xử phạt hành chính và khắc phục xong hậu quả”, ông Tô Văn Động nhấn mạnh. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết hoạt động quảng cáo ngoài trời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.