Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết cho vay ngoại tệ: Tốt cho thị trường ngoại hối, xuất khẩu sẽ gặp khó

Thanh Hương| 30/03/2016 18:24

(HNMO) – Chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chính sách thắt chặt cho vay bằng ngoại tệ sẽ giúp thị trường ngoại hối ổn định. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Thông tư 24/2015 của Ngân hàng Nhà (NHNN) nước quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng là người cư trú, các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép hoạt động ngoại hối xem xét cho vay ngoại tệ với các nhu cầu vốn:

Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Từ 31/3/2016, nhiều doanh nghiệp không được vay ngoại tệ


Cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dấu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý tại thông tư này là việc cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay thuộc diện nhu cầu trên phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ chỉ được thực hiện đến hết 31/3/2016.

Điều này có nghĩa, từ ngày 31/3/2016, việc cho vay bằng ngoại tệ sẽ chấm dứt đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới.

PV HNMO đã có cuộc trao đổi ngắn với chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu trước ngày siết cho vay bằng ngoại tệ.

-Thưa ông, theo ông vì sao NHNN siết cho vay bằng ngoại tệ?

- Chủ trương của NHNN là chuyển từ quan hệ huy động-cho vay sang mua-bán ngoại tệ. NHNN thắt chặt cho vay bằng ngoại tệ bởi vay ngoại tệ khiến cầu về ngoại tệ gia tăng. Những doanh nghiệp nằm trong diện phải chấm dứt vay bằng ngoại tệ thường vay với mỗi món tiền ngoại tệ không lớn nhưng có rất nhiều doanh nghiệp như vậy, vì thế khiến sức cầu về ngoại tệ cao. Nếu doanh nghiệp không được vay USD mà họ phải vay bằng VND thì cầu về USD sẽ giảm xuống, từ đó sẽ giúp thị trường ngoại hối ổn định.

Trước đây, để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, NHNN cho phép ngân hàng thương mại cho những doanh nghiệp trên vay ngoại tệ nhằm giảm chi phí vay vốn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Cũng cần nói thêm rằng, chênh lệch giữa lãi suất cho vay USD và VND là rất lớn, trên 6%. Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh tế đã khả quan hơn.

- Như vậy là doanh nghiệp không được vay ngoại tệ khó sẽ gặp khó khăn trong hoạt động, thưa ông?

-Chắc chắc là chính sách thắt chặt cho vay ngoại tệ sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, bởi vay bằng VND sẽ làm tăng chi phí vốn do lãi suất cho vay giữa USD và VND có sự chênh lệch lớn, từ đó làm tăng giá thành hàng hóa xuất khẩu, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

- Vậy, theo ông doanh nghiệp cần làm gì?


-Theo tôi, doanh nghiệp cần giảm chí phí sản xuất bằng cách tăng năng suất sản xuất, tiết giảm tối đa các chi phí để bù vào phần chi phí “đội” lên khi phải vay bằng VND.

- Chính sách thắt chặt cho vay ngoại tệ sẽ tác động thế nào đến thị trường ngoại hối, thưa ông?


- Chính sách này sẽ giúp ổn định thị trường. Những tháng vừa qua, thị trường ngoại hối đã tương đối ổn định, việc chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ với những doanh nghiệp trên sẽ giúp thị trường ngoại hối ổn định hơn. Cũng cần nói thêm rằng, thời gian qua, không ngoại trừ có doanh nghiệp vay ngoại tệ thay vì để sản xuất kinh doanh thì họ lại đem ra thị trường tự do kinh doanh, tạo ra bất ổn cho thị trường ngoại hối. Vì vậy, theo tôi, việc siết cho vay ngoại tệ là cần thiết. Tôi ủng hộ chủ trương này.

-Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết cho vay ngoại tệ: Tốt cho thị trường ngoại hối, xuất khẩu sẽ gặp khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.