Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt tiêu chí liên quan môi trường

Hồng Sơn| 18/07/2016 06:48

(HNM) - Có lẽ chưa bao giờ vấn đề môi trường, nhất là hậu quả do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - đối tượng được hưởng nhiều ưu đãi - gây ra, lại được đề cập và phân tích nhiều như hiện tại. Thực tế cho thấy, đã đến lúc siết chặt các tiêu chí, yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình đăng ký,

Công ty Vedan từng là thủ phạm “bức tử” sông Thị Vải, làm ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm nghìn hộ dân.



Đến nay, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của nước ta đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng mặt trái của quá trình này, đặc biệt là nạn ô nhiễm môi trường - mà trong đó có một phần do các DN ĐTNN được hưởng nhiều ưu đãi gây ra cũng không nhỏ. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cả nước hiện có khoảng 5% DN ĐTNN áp dụng công nghệ hiện đại, 80% sử dụng dây chuyền sản xuất có công nghệ trung bình, còn lại là mức độ thấp, lạc hậu. Dư luận, các cấp có thẩm quyền hẳn chưa quên bài học đau đớn từ vụ Công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải, gần đây lại là trường hợp “khủng” của Formosa và hiện đang quan tâm đến một số dự án sản xuất khác.

Thực tế, nhiều năm qua, các cơ quan hữu quan vẫn chủ động tuyên truyền, quảng bá khi xúc tiến đầu tư bằng hình ảnh đất nước Việt Nam giàu tài nguyên mà chưa khai thác nhiều, chủ trương ưu đãi nhà đầu tư cũng như nhấn mạnh lợi thế của nguồn nhân công dồi dào, nhưng giá rẻ. Các yếu tố, đặc điểm trên trở thành điều kiện thuận lợi để "gọi" ĐTNN cho Việt Nam so với các quốc gia khác. Đây là cách tiếp cận rất chủ quan, sơ hở và tạo cơ hội cho nhà ĐTNN có tâm lý “thích tận dụng” những điều kiện sẵn có để đạt được lợi nhuận cao nhất. Cũng vì vậy, họ luôn có khuynh hướng ứng dụng những công nghệ trung bình, mức độ tự động hóa thấp để sử dụng nhiều lao động. Và hậu quả là môi trường sinh thái bị ô nhiễm...

Theo TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN, qua thực tiễn và xuất phát từ yêu cầu bảo vệ, tiến tới nâng cao chất lượng môi trường, Việt Nam cần tỏ rõ quan điểm với các nhà ĐTNN về vấn đề này để chủ động thực hiện “quyền lựa chọn” của mình một cách triệt để. Đặc biệt, cần có suy tính cẩn thận, trách nhiệm để phòng ngừa nguy cơ từ một số lĩnh vực dễ gây ô nhiễm như thép, xi măng, lọc dầu - hóa chất, giấy, dệt nhuộm… Cụ thể, cần kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư cam kết và thực hiện đầu tư đầy đủ, thỏa đáng cho dây chuyền, hệ thống thiết bị xử lý nước, chất thải; sau đó là công tác kiểm tra, đánh giá của cơ quan chức năng để bảo vệ lợi ích con người và xã hội.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nguyên nhân... để DN ĐTNN gây ô nhiễm môi trường có nhiều, đan xen và cần xem xét kỹ từ nhiều phía. Trong đó, có nguyên nhân chủ quan do hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng nhất, chồng chéo nên khó đi vào cuộc sống. Mặt khác, không loại trừ khả năng cơ quan chức năng của Việt Nam chưa làm tốt công tác hậu kiểm, nên nhiều trường hợp chỉ biết và thực hiện thanh tra, rồi can thiệp hoặc áp dụng chế tài khi hậu quả đã nhãn tiền. Hơn nữa, các địa phương cũng có lúc “nặng” về mục tiêu tăng trưởng, kể cả tâm lý muốn tạo dấu ấn qua tư duy nhiệm kỳ nên khó tránh sự nôn nóng trong thu hút vốn ĐTNN. Ở đây có vấn đề liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, đặc biệt là cá nhân người có trọng trách. Một khi chưa thống nhất, chưa quy trách nhiệm của người đứng đầu hoặc cá nhân ra quyết định chấp thuận dự án thì vẫn khó giải quyết được vấn đề.

Mới đây nhất, đại diện UBND tỉnh Hậu Giang vừa xác nhận, mặc dù là một tỉnh nghèo, rất cần thu hút vốn ĐTNN, nhưng vẫn nhất quán chủ trương, định hướng là không vì thế mà nhân nhượng, đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Vì vậy, cần có sự kết hợp, thẩm định nghiêm túc, chính xác về khả năng bảo vệ môi trường của các dự án trước khi cấp phép; nhất là tập trung đánh giá đầy đủ về kết quả “đánh giá tác động môi trường” của chủ dự án với sự kiểm định của cơ quan chuyên môn cũng như sự giám sát của người dân.

Thiết nghĩ, môi trường là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất cho phát triển KT-XH, nhất là đối với đời sống con người và từ đó trở thành yếu tố quyết định chất lượng phát triển của mỗi quốc gia. Chỉ có tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường mới là mục tiêu đích thực, là phát triển bền vững và nhân văn. Riêng với nhà ĐTNN, cần nhập tâm câu “nhập gia tùy tục” để thể hiện sự thiện chí của mình khi đầu tư các dự án ở nước sở tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt tiêu chí liên quan môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.