(HNM) - Với hơn 40% dân số (trong tổng số hơn 90 triệu người) sử dụng internet, việc siết chặt quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) hiện là một thách thức lớn với ngành Thuế.
Với hơn 40% dân số (trong tổng số hơn 90 triệu người) sử dụng internet, việc siết chặt quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) hiện là một thách thức lớn với ngành Thuế. Thành lập đội chuyên trách quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT là giải pháp sẽ được thực hiện nhằm siết chặt quản lý thuế trong lĩnh vực này.
Ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục thuế tại Chi cục Thuế quận Bắc Từ Liêm (Cục Thuế Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Khó thu thuế với hoạt động kinh doanh "ảo"
Đó là nhận xét được nhiều đại biểu nêu tại hội thảo bàn về những thách thức về thuế trong nền kinh tế số vừa diễn ra tại Hà Nội. Với sự phát triển mạnh của internet và hệ thống mạng xã hội, hoạt động kinh doanh hiện nay không nhất thiết phải có cửa hàng, cửa hiệu, mà có thể diễn ra thuận tiện thông qua các thiết bị điện tử có kết nối internet. Nhiều chủ tài khoản mua bán hàng hóa qua internet có thể dễ dàng ẩn danh, hoặc nặc danh để giao dịch mua bán trực tuyến, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý thu thuế.
Ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, CNTT đã, đang tạo ra quá trình thay đổi trong mô hình và tập quán kinh doanh. Trong lĩnh vực bán hàng hóa truyền thống qua sàn giao dịch TMĐT hay website TMĐT có Ebay, Amazon, Alibaba, Taobao. Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ trên nền tảng công nghệ có Google, Facebook; Uber, Grab taxi; lĩnh vực kinh doanh các tài sản vô hình có các doanh nghiệp (DN) phát triển game, ứng dụng cho thiết bị di động thông qua các chợ ứng dụng trên internet...
Thực tế này đang tạo ra thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế trong nền kinh tế số nhằm thu đúng, thu đủ tiền thuế GTGT, TNDN từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Cơ quan thuế đang gặp nhiều thách thức trong việc xác định đúng doanh thu cũng như lợi nhuận của những DN hoạt động trong nền kinh tế số. Một trong những vấn đề lớn hiện nay là làm thế nào để giành quyền đánh thuế đối với các giao dịch về dịch vụ và tài sản vô hình xuyên biên giới. Bên cạnh đó, công tác xác định dữ liệu tại nơi phát sinh thu nhập, nơi xử lý và nơi sử dụng cho mục đích tính thuế. Việc xác định khái niệm về nguồn phát sinh thu nhập, cơ sở thường trú hay đặc điểm thu nhập như thế nào để quản lý thuế… cũng là những khó khăn lớn với ngành Thuế.
Theo giới chuyên gia, trong mô hình giao dịch B2C (người tiêu dùng cá nhân mua trực tiếp từ các nhà cung cấp nước ngoài) đang tác động làm cho sân chơi cạnh tranh trở nên thiếu bình đẳng giữa các nhà cung cấp nước ngoài và các nhà cung cấp trong nước. Thực tế này không phản ánh chính xác sự thâm hụt trong cán cân thương mại quốc tế và chứa đựng những rủi ro cho người tiêu dùng tại nước tạo ra giá trị hàng hóa. Có thể điểm lại những vụ việc đáng chú ý đã được các cơ quan truyền thông đưa ra, liên quan đến vấn đề này như: Tính hợp pháp và nghĩa vụ thuế của mô hình hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ kết nối vận chuyển của Uber; tính hợp pháp và nghĩa vụ thuế của hoạt động kinh doanh tiền điện tử hay tiền kỹ thuật số.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có hơn 40% dân số (trong tổng số hơn 90 triệu dân) sử dụng internet, điều này cho thấy tiềm năng phát triển các dịch vụ số, dịch vụ điện tử là rất lớn. Hiện nay, những giao dịch điện tử, các phương thức giao dịch TMĐT rất đa dạng và phong phú. Những sản phẩm số, quảng cáo trực tuyến đều đã phát triển tại Việt Nam. Một ví dụ rất điển hình thời gian qua, đó là việc quảng cáo trực tuyến thông qua trò chơi điện tử của Nguyễn Hà Đông hay có trường hợp chỉ trong một thời gian ngắn kinh doanh tiền kỹ thuật số (tiền ảo) trên mạng đã có doanh thu lên tới gần 170 tỷ đồng. Điều này đã đặt ra những thách thức đối với cơ quan thuế trong bối cảnh hiện nay.
Đội chuyên trách sẽ vào cuộc
Sự phát triển nhanh của CNTT đã đặt ra những thách thức mới với cơ quan quản lý thuế, bởi hiện tại cơ cấu tổ chức của ngành Thuế chưa có bộ phận quản lý chuyên trách với hoạt động kinh doanh TMĐT. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng cán bộ có trình độ CNTT lại chưa có kiến thức sâu nghiệp vụ thuế, hoặc ngược lại nên đã gây ra những khó khăn trong công tác quản lý thuế với hoạt động này.
Ông Nguyễn Quang Tiến cho biết, trước những thách thức trong việc quản lý thuế với lĩnh vực TMĐT, từ năm 2012 Tổng cục Thuế đã nghiên cứu về vấn đề này. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính, các cấp có thẩm quyền có liên quan xem xét, rà soát lại các hoạt động về TMĐT. Từ đó, sẽ đưa ra những đề xuất, sửa đổi chính sách về thuế với lĩnh vực TMĐT.
Qua rà soát, ngành Thuế sẽ phân loại theo từng hoạt động và sẽ có chuyên gia để theo dõi sát những hoạt động như vậy, từ đó có cách thức quản lý thuế phù hợp. Bên cạnh đó, ngành sẽ bố trí lực lượng cán bộ chuyên trách có đủ trình độ, năng lực để theo dõi, quản lý đối tượng này. Tuy nhiên, để có đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng được nhiệm vụ thì cần phải có thời gian đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ thuế, kiến thức về CNTT cũng như ngoại ngữ.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Tài chính rà soát lại toàn bộ hoạt động TMĐT trên nền tảng công nghệ số. Ngành sẽ tham khảo mô hình quản lý thuế của một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc..., tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm trao đổi thông tin về quản lý thuế, qua đó thực hiện thu đúng, thu đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước, bảo đảm công bằng, minh bạch giữa các DN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.