Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý để chống gian lận thương mại

Hương Ly| 09/06/2012 07:53

(HNM) - Theo Tổng cục Hải quan (TCHQ), 5 tháng đầu năm, đã có 1.538 vụ vi phạm pháp luật hải quan được phát hiện, bắt giữ với trị giá ước tính gần 32 tỷ đồng.


Ảnh minh họa

Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) cho biết, Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu vừa phát hiện một hành khách quốc tịch Armenia, nhập cảnh từ Thái Lan về TP Hồ Chí Minh mang theo hành lý hơn 1.400 viên kim cương, không khai báo hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh. Ngày 5-6, sau khi có kết quả giám định, Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã xác định, số kim cương vận chuyển trái phép nêu trên có trị giá hơn 5 tỷ đồng. Đơn vị đã lập biên bản vi phạm và tạm giữ số kim cương vi phạm. Trên tuyến biển, Đội Kiểm soát Hải quan số 1, Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, ngay trong tuần đầu tiên của tháng 6, đơn vị đã bắt giữ 13.360 bao thuốc lá nhập lậu với tổng trị giá ước tính gần 400 triệu đồng.

Không chỉ dừng lại ở các vụ buôn lậu đơn thuần, lực lượng hải quan còn phát hiện nhiều hình thức gian lận thương mại tinh vi. Bà Đỗ Thị Hương Sen, Trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan Đồng Nai) cho biết, đơn vị vừa có quyết định xử lý vi phạm với Công ty TNHH Công nghiệp SPC Tianhua Việt Nam với số tiền 1,28 tỷ đồng về hành vi "xuất khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ". Hồ sơ của lực lượng hải quan cho thấy, tháng 11-2011, Đội Kiểm soát Hải quan Đồng Nai đã bắt quả tang Công ty TNHH Công nghiệp SPC Tianhua Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 - Đồng Nai) đang thay thế các nhãn mác ghi xuất xứ Trung Quốc bằng nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam trên lô hàng hợp chất xử lý nước, chuẩn bị xuất khẩu đi Mỹ. Mở rộng điều tra và thực hiện kiểm tra sau thông quan tại công ty này, Cục Hải quan Đồng Nai phát hiện từ năm 2006 đến 2011, DN đã có hành vi xuất khẩu mặt hàng Trichloroisocyanuric Acid (một loại hóa chất có tác dụng diệt khuẩn, thường được sử dụng trong ngành nuôi trồng thủy sản) sang Mỹ, giả mạo xuất xứ Việt Nam tại 98 tờ khai xuất khẩu. Thủ đoạn của DN này là thông qua các công ty trung gian tại Việt Nam nhập khẩu ủy thác mặt hàng trên từ Trung Quốc, sau đó thay nhãn mác, xin cấp C/O để có xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, DN này còn sử dụng các hóa đơn GTGT không có hàng hóa thực tế để hợp thức hóa một số nguyên liệu đầu vào.

Ông Nguyễn Ngọc Túc, Tổng cục trưởng TCHQ cho biết, để nâng cao hiệu quả của công tác giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, ngành hải quan đã, đang có nhiều dự án trang bị máy móc hiện đại. Hiện, ngành đã trang bị hệ thống máy soi container (do Nhật Bản tài trợ) tại cảng Cát Lái TP Hồ Chí Minh, cảng Hải Phòng và cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), góp phần nâng năng lực quản lý của hải quan Việt Nam.

Hiện ngành hải quan đang gấp rút triển khai hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS) và hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tình báo (VCIS) theo công nghệ Nhật Bản. Hệ thống này sẽ được triển khai và hoàn thiện trong vòng 2 năm (từ tháng 4-2012 đến tháng 3-2014). Hy vọng việc ứng dụng hệ thống thông quan hiện đại này sẽ làm thay đổi căn bản phương thức quản lý của hải quan Việt Nam từ hình thức thủ công sang quản lý bằng phần mềm điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân và DN khi thực hiện thủ tục hải quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý để chống gian lận thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.