(HNM) - Thời tiết hanh khô cộng với nhiều hoạt động giao thương, lễ bái dịp cuối năm dẫn đến nguy cơ cháy, nổ tăng cao.
Đánh giá kết quả sau hơn 2 năm thành lập Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội (tháng 7-2011), Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, bên cạnh những mặt đã làm được, lực lượng PCCC Hà Nội còn đối mặt với quá nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC; công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và xây dựng lực lượng PCCC. Trong bối cảnh đó, nguy cơ về cháy, nổ và cháy nổ lớn vẫn thường trực và ngày càng diễn biến phức tạp do đô thị phát triển "nóng" mà năng lực quản lý có phần "hụt hơi". Đó là nguyên nhân chính xảy ra nhiều vụ cháy lớn trong thời gian gần đây, gây hậu quả nghiêm trọng như vụ cháy Cửa hàng xăng dầu số 9 (phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm), cháy công trình cải tạo quán bar ở địa chỉ 9 Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng) hay vụ cháy nhà ở tạm của công nhân ở phường La Khê (quận Hà Đông). Gần đây nhất liên tục trong vòng ít ngày đã xảy ra các vụ cháy khu tập thể (phường Nam Đồng, Đống Đa, ngày 11-12); nhà riêng (phường Văn Chương, Đống Đa, ngày 14-12); cháy chợ nhà xanh (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, ngày 16-12), để lại những hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản.
Lực lượng PCCC Hà Nội chữa cháy tại cửa hàng xăng dầu trên phố Trần Hưng Đạo. |
Những vụ việc trên đã bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác PCCC, đó là sơ hở trong quy trình sản xuất; năng lực chữa cháy chưa đáp ứng được yêu cầu; kỹ năng thoát nạn, cứu hộ... Trên hết là năng lực quản lý về PCCC còn hạn chế. Với quân số như hiện nay, Sở Cảnh sát PCCC không thể hoàn thành nhiệm vụ rà soát, kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, các địa bàn trọng điểm, khu thương mại, chợ, nhà cao tầng... Trong khi đó, không ít chính quyền, CA cơ sở thờ ơ với việc quản lý nhà nước về PCCC, dẫn đến thực trạng nhiều cơ sở, địa bàn "trắng" về PCCC.
Theo đánh giá của cơ quan PCCC, những địa bàn xa, hẻo lánh chưa được thẩm định về an toàn PCCC, những khu nhà nguy cơ cháy cao và khó cứu chữa còn rất nhiều tại Hà Nội. Thời điểm cuối năm, nhiều kho hàng hóa sẽ được hình thành theo tính chất thời vụ, chưa thể kiểm đếm hết. Nhiều loại hàng hóa phục vụ Tết có nguy cơ cháy nổ cao lọt vào các chợ, chợ tạm mà không cần thông qua cơ quan PCCC. Đó là chưa kể hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ khi nào tại khu vực nhà dân với gần 1,9 triệu hộ, vì sự cố điện, bất cẩn khi sử dụng chất đốt trong sinh hoạt, sự cố do thắp hương, nến...
Để hạn chế cháy nổ dịp cuối năm, từ cuối tháng 11-2013, UBND TP Hà Nội đã có chỉ thị, yêu cầu tăng cường một số mặt công tác quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là lãnh đạo thành phố đã xác định rõ nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến cháy và cháy lớn là do quản lý lỏng lẻo. Vì vậy, lãnh đạo thành phố yêu cầu, trách nhiệm của cơ quan chức năng phải được thể hiện qua việc thường xuyên kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ.
Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng với năng lực hiện có thì an toàn PCCC chưa thể được bảo đảm trên phạm vi toàn thành phố. Để an toàn PCCC còn phải dựa rất nhiều vào ý thức tự phòng của người dân và của lực lượng PCCC cơ sở, thông qua các hình thức tuyên truyền, trang bị kiến thức PCCC, cứu nạn, cứu hộ. Công tác này đã được triển khai nhiều năm nhưng chưa hiệu quả, chưa hình thành được kỹ năng cơ bản cho phần đông người dân. Vì vậy, hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng cháy, nâng cao kỹ năng chữa cháy, thoát nạn cần phải được chú trọng nhiều hơn, thường xuyên, liên tục và đi vào thực chất. Có như vậy, việc phòng ngừa cháy nổ và hạn chế thiệt hại do cháy nổ mới đạt hiệu quả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.