(HNM) - Tiếp tục ghi nhận việc thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 trong ngày thứ 9 cho thấy, trên đường phố, một số công viên… ở Hà Nội luôn trong tình trạng khá đông đúc. Điều này cho thấy tâm lý chủ quan với dịch bệnh của một bộ phận người dân, trong khi trách nhiệm của chính quyền cơ sở chưa cao.
Trước tình trạng này, các địa phương cần tập trung tuyên truyền phê phán mạnh mẽ tình trạng này, đồng thời tiếp tục bố trí đầy đủ lực lượng siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm vi phạm trong công tác phòng dịch.
Nhiều người vẫn lơ là, chủ quan
Tương tự ba ngày trước, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trong sáng và chiều 9-4 tình trạng người dân đổ ra đường tiếp tục diễn ra tại nhiều địa bàn ở Hà Nội. Cụ thể, vào những khung giờ cao điểm như đầu giờ sáng, cuối giờ chiều, trên các trục đường giao thông tại cửa ngõ thành phố, các tuyến đường gom ven Vành đai 3 như: Đường 32, Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy; Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển; Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Văn Cao... luôn tấp nập người, xe qua lại. Tại đây, người tham gia giao thông đều đeo khẩu trang, nhưng đều không bảo đảm khoảng cách an toàn 2m hoặc có người đeo khẩu trang nhưng không đúng quy cách dẫn đến “có đeo cũng như không”.
Anh Nguyễn Văn Trung, ở chung cư INTRACOM Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) nhìn nhận: “Tôi nghĩ hiện tượng này là đáng phê phán và mọi người dân cần tuân thủ những chỉ đạo của chính quyền các cấp để bảo đảm việc chống dịch hiệu quả”.
Đặc biệt, “nóng” nhất là khu vực đường đi bộ ven sông Tô Lịch thuộc địa bàn phường Láng Thượng, Láng Hạ, Thịnh Quang, Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) trong sáng 9-4 đã có rất nhiều người dân đi tập thể dục.
Cũng trong ngày 9-4, tại các công viên, vườn hoa, địa điểm công cộng, tình trạng người dân đến tập thể dục, trong đó nhiều người không đeo khẩu trang, không tuân thủ khoảng cách an toàn khá phổ biến. Tại các đường dạo quanh Công viên Thủ Lệ, có khá nhiều người đến tập thể dục, đi bộ, một số người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy định. Trong khi đó, Công viên Nghĩa Đô, Công viên Cầu Giấy trên địa bàn quận Cầu Giấy dù đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn đi bộ, tập thể dục phía ngoài; khu vực hồ Tây (quận Tây Hồ) cũng tập trung khá đông người…
Không chỉ đường sá, địa điểm công cộng đông đúc, nhiều hàng quán tại Hà Nội vẫn bán hàng, mặc dù đã có lệnh cấm kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu. Ví dụ như quán cà phê AHA 38 phố Duy Tân (quận Cầu Giấy) tuy đã đóng cửa nhưng vẫn bán hàng cho khách ngồi ở dãy ghế phía ngoài của quán…
Tăng giải pháp, mạnh tay xử lý vi phạm
Thực tế trên cho thấy, ngoài ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, thì việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm phòng, chống dịch bệnh của chính quyền cơ sở cũng như lực lượng chức năng có lúc, có nơi chưa sát sao, triệt để và chưa đủ giải pháp cần thiết.
Trước tình trạng trên địa bàn còn có nơi tập trung đông người, ngay trong ngày 9-4, lãnh đạo UBND quận Đống Đa đã trực tiếp đi kiểm tra tại các công viên, vườn hoa, địa điểm công cộng, đặc biệt là khu vực sông Tô Lịch, yêu cầu UBND các phường thực hiện nghiêm túc việc tuần tra, nhắc nhở người dân không tập trung đông người và tạm dừng hoạt động thể dục thể thao để phòng dịch. Đặc biệt, tại khu vực sông Tô Lịch, từ 16h15 ngày 9-4, lực lượng chức năng của 4 phường Láng Thượng, Thịnh Quang, Láng Hạ, Ngã Tư Sở đã lập chốt bằng rào chắn và căng băng rôn yêu cầu người dân "Không tụ tập nơi công cộng; Đeo khẩu trang đúng cách; Tạm dừng hoạt động thể dục thể thao để phòng, chống dịch Covid-19".
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt cho biết, trong những ngày tới quận yêu cầu lực lượng công an phường cắm chốt thường xuyên tại các địa điểm công cộng, công viên, sông Tô Lịch. Trước tiên là thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nhưng nếu người dân cố tình vi phạm sau khi bị nhắc nhở thì lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt theo quy định.
Ở một số “điểm nóng” khác trong những ngày gần đây về tình trạng vi phạm quy định cách ly xã hội ở Công viên Thống Nhất, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, sân dạo của Khu chung cư Times City... UBND quận Hai Bà Trưng cho biết đã chỉ đạo lực lượng liên ngành tăng cường tuần tra, lập chốt xử lý vi phạm đối với các trường hợp cố tình vi phạm… Các khe hở để người dân chui vào tập thể dục đã được phường Lê Đại Hành và đơn vị quản lý Công viên Thống Nhất hàn lại. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng Quốc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất cho hay, bên cạnh việc phối hợp với Công an phường Lê Đại Hành tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp trèo rào vào công viên tập thể dục, công ty đã bố trí 24 bảo vệ/ca trực, bảo đảm cách 150m có 1 bảo vệ thực hiện giám sát, không cho người dân vào công viên tập thể dục.
Theo Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong, việc lập nhiều chốt nhắc nhở người dân tại Công viên Thống Nhất, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, sân dạo của Khu chung cư Times City giúp giảm đáng kể việc người dân đến những nơi công cộng tập thể dục.
Tại Công viên Thủ Lệ, ông Bùi Quang Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội - đơn vị quản lý, duy trì Công viên Thủ Lệ) thông tin: Công ty bố trí lực lượng bảo vệ (20 người/ca trực) chốt tại 3 cổng ra vào, đồng thời luân phiên kiểm tra tại các điểm tiếp giáp với khu dân cư.
Còn Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà cho hay, để tăng cường trách nhiệm, UBND quận yêu cầu chủ tịch UBND các phường chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch.
Trong khi đó, ở khu vực ngoại thành, chính quyền địa phương cũng tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Tại địa bàn huyện Gia Lâm, tính từ ngày 5 đến 9-4, lực lượng chức năng và UBND các xã: Yên Viên, Dương Xá, Kim Sơn, Kim Lan, Phù Đổng, Đình Xuyên đã tăng cường tuần tra, phát hiện, lập biên bản và ra quyết định xử phạt 19 trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, 3 trường hợp ra ngoài không có lý do chính đáng.
Còn tại huyện Ứng Hòa, Đại tá Nguyễn Thành Trung, Trưởng Công an huyện Ứng Hòa cho biết: “Công an huyện đã tham mưu với UBND huyện có chỉ đạo, yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cấp cơ sở, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm để người dân đồng thuận chấp hành các quy định phòng dịch”.
Rõ ràng, ở đâu chính quyền cơ sở nghiêm túc, nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội về cách ly xã hội thì ở đó người dân tuân thủ nghiêm túc và ngược lại. Dù vậy, thực tế cho thấy, vẫn cần thêm nhiều giải pháp khác để xử lý triệt để tình trạng người dân ra đường mà không có lý do chính đáng trong giai đoạn thực hiện cách ly xã hội hiện nay. Trong đó, bên cạnh việc tuyên truyền răn đe, xử phạt các hành vi vi phạm, cần tính đến phương án huy động thêm lực lượng công an thành phố, các học viên cảnh sát… chốt tại nhiều điểm trên địa bàn cũng như tuần tra cơ động. Trước đây, giải pháp này đã phát huy hiệu quả trong các đợt cao điểm về xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông cũng như những dịp lễ, Tết khác. Vì vậy, đây là giải pháp cần được tính đến trong những ngày tới để việc thực hiện triệt để các quy định về cách ly xã hội đạt hiệu quả mong muốn trong phòng, chống dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.