Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt hoạt động xuất khẩu lao động

Kim Vũ| 27/06/2020 06:26

(HNM) - Từ năm 2007 đến tháng 6-2020, Thanh tra Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương xử lý trên 1.100 vụ việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) trái pháp luật. Do đó, người lao động cần đề cao cảnh giác để không bị "tiền mất, tật mang". Bên cạnh đó, rất cần các cơ quan chức năng siết chặt hơn nữa hoạt động xuất khẩu lao động.

Người lao động cần tìm đến những công ty đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có uy tín, đồng thời đề cao cảnh giác để không bị “tiền mất, tật mang”. Ảnh: Sơn Hà

Nhiều người "tiền mất, tật mang"

Đầu năm 2020, gần 300 lao động căng băng rôn đòi lại tiền từ Công ty cổ phần Đầu tư và Xúc tiến thương mại QLT (Công ty QLT) tại số 8 đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm). Tiền đã nộp cho công ty gần 1 năm, nhưng người lao động vẫn chưa được xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc như hứa hẹn của công ty này. "Tôi nhận được thông báo trúng tuyển, cuối tháng 5-2019 đặt cọc 40 triệu đồng và được công ty cam kết đưa sang Nhật Bản làm việc từ tháng 10-2019. Đến nay, tôi biết mình đã bị lừa đảo, tiền thì mất mà tật thì mang", chị Vũ Thị T, một nạn nhân quê ở Hải Dương cho biết.

Tương tự, nhiều người cũng là nạn nhân của Công ty cổ phần 3KS Nhân lực. Công ty này thu phí môi giới 300 triệu đồng/ người, nhưng do làm giả hồ sơ nên phía Nhật Bản đã xóa tên khỏi danh sách các doanh nghiệp phái cử thực tập sinh sang nước này từ ngày 26-5-2020. Ngày 22-5-2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thu hồi giấy phép của Công ty cổ phần 3KS Nhân lực và yêu cầu công ty chấm dứt hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài từ ngày 16-8-2020.

QLT và 3KS Nhân lực chỉ là hai trong số nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động có hành vi vi phạm. Thông tin về vấn đề này, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông (Cục Quản lý Lao động ngoài nước) Trần Thị Vân Hà cho biết: "Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xử phạt hành chính 118 trong tổng số 459 doanh nghiệp xuất khẩu lao động vi phạm với các lỗi như: Không trực tiếp tuyển lao động; không báo cáo danh sách lao động xuất cảnh; thu phí cao...".

Chia sẻ về tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động, anh Chu Đình Dũng, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cho biết: "Người nhà của tôi từng mất tiền oan vì tin vào lời mời chào, dụ dỗ của các công ty “ma”. Thủ đoạn của họ là đăng tuyển lao động trên mạng xã hội, chụp các giấy tờ có dấu đỏ của cơ quan chức năng, khẳng định chắc chắn người lao động sẽ được đi ngay nếu đặt cọc sớm. Khi người lao động nộp tiền rồi, các đối tượng sẽ lần lữa với nhiều lý do. Nếu có nhiều lao động tìm đến công ty để làm căng thì các đối tượng đóng cửa, tắt máy điện thoại...".

Siết chặt điều kiện cấp phép

Theo bà Trần Thị Vân Hà, hiện có nhiều chương trình phái cử sang nước ngoài làm việc chưa được ký kết chính thức nhưng đã được các công ty “ma” tuyển dụng xong. Đơn cử, hồi cuối năm 2018 đầu năm 2019, chương trình kỹ năng đặc định mới đang được cơ quan chức năng Việt Nam và Nhật Bản đàm phán, nhưng nhiều người đã nộp tiền để sớm được đi làm. "Nhiều lao động gửi đơn tố cáo Công ty QLT lừa đảo. Tuy nhiên, công ty này không được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép nên Cục đã có văn bản chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an quận Nam Từ Liêm để điều tra, xử lý hình sự", bà Hà thông tin.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm thông tin thêm, hiện xuất hiện khá phổ biến tình trạng lừa đảo mới. Đó là một số doanh nghiệp lợi dụng hoạt động du học để xuất khẩu lao động trá hình, nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải kết hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra liên ngành, xử lý các vi phạm.

Về hướng khắc phục tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết, trung tuần tháng 6 vừa qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), theo hướng siết chặt các quy định về điều kiện cấp phép xuất khẩu lao động cho các doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên, ký quỹ 2 tỷ đồng tại ngân hàng thương mại; được cấp phép không quá 3 chi nhánh và địa điểm kinh doanh... Ngoài ra, nhiều quy định hiện hành cũng được đề nghị sửa đổi theo hướng nâng mức xử phạt để khắc phục những lỗ hổng, bất cập, tăng tính răn đe.

“Ngoài việc tăng cường thanh, kiểm tra, rà soát, cũng như phối hợp với cơ quan công an, các địa phương để phòng ngừa, phát hiện sớm các vi phạm, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép phải minh bạch thông tin trên website của mình. Website của Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng công khai danh sách các công ty hợp pháp và hợp đồng đã được thẩm định để người lao động biết, nắm rõ thông tin, tránh bị mắc lừa. Bên cạnh đó, người lao động cũng phải nâng cao cảnh giác để không bị sập bẫy lừa đảo”, ông Liêm lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt hoạt động xuất khẩu lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.