Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt biện pháp quản lý

Sơn Tùng| 11/08/2012 07:05

(HNM) - Sau khi Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT ngày 10-10-2011, quy định từ 1-7-2012, bắt buộc kiểm tra, kiểm soát các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam nhằm loại bỏ các chất cấm (trong đó có chất tạo nạc và tăng trọng), nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho biết đang gặp khó khăn khi nhập khẩu nguyên liệu do vướng quy định. Nhằm tháo gỡ vướng mắc, ngày 10-8, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, DN hoạt động trong lĩnh vực này.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty TNHH Guyomarc’h Việt Nam.


Tại hội nghị, nhiều DN sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho biết, họ đang gặp khó khăn do tất cả các lô hàng nhập khẩu đều phải lấy mẫu kiểm tra định lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam, dẫn đến tăng chi phí. Sau khi có kết quả phân tích, doanh nghiệp mới được thông quan và đưa hàng vào sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp mất thêm 1-2 ngày so với trước đây để tiếp nhận các lô hàng nhập khẩu. Do tất cả các lô hàng đều bị kiểm tra định lượng nên đã dẫn tới tình trạng ùn ứ trong khâu thông quan ở các cảng. Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai cho biết, đang có sự không thống nhất giữa các chỉ tiêu trong hợp đồng mua bán với quy định của Việt Nam. Thông thường, trên giấy chứng nhận phân tích thể hiện các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế, hoặc thỏa thuận giữa người mua và người bán.

Tuy nhiên, theo quy định của Cục Chăn nuôi, hàng hóa sẽ được phân tích chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó có những tiêu chuẩn mà quốc tế không yêu cầu hoặc áp dụng, do đó sẽ có trường hợp cho ra kết quả không tương thích, ảnh hưởng đến thời gian thông quan lô hàng. Ví dụ, chỉ tiêu phải kiểm tra mặt hàng lúa mì cho thức ăn gia súc theo tiêu chuẩn Việt Nam là chỉ số axit, hàm lượng aflatoxin, nhưng theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất và bên bán hàng thì không có hai chỉ tiêu này. Ông Võ Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Anh Dũng chuyên nhập khẩu thức ăn chăn nuôi ở Hà Nội than thở: Theo quy định mới này thì DN phải lấy quá nhiều mẫu để kiểm nghiệm, trong đó có nhiều chất thuộc thành phần dinh dưỡng thông thường, làm tăng chi phí. Mỗi năm DN có thể mất 10 tỷ đồng cho việc trả phí kiểm nghiệm các chất trong thức ăn chăn nuôi.

Do đó, Cục Chăn nuôi cần xem xét, đưa ra danh mục các chất phải kiểm nghiệm bắt buộc, còn các chất dinh dưỡng trong thức ăn thì chỉ nên kiểm tra định kỳ. Giám đốc thu mua kinh doanh nguyên liệu thức ăn gia súc của CP Group Trần Việt Hương thì cho rằng: Cục Chăn nuôi nên có quy định cụ thể về thời gian trả hồ sơ cho các DN để chủ động. Mặt khác, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với ngành hải quan để có sự đánh giá, phân loại. Đối với DN làm ăn nghiêm túc, qua 3 lần kiểm tra cùng một mặt hàng, có nguồn gốc xuất xứ như nhau thì nên cho giãn hạn kiểm tra... Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Lê Bá Lịch khẳng định: Nếu nước ta nới lỏng các quy định, Việt Nam sẽ là bãi phế thải cho nhiều nước thông qua việc nhập khẩu nguyên liệu về thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, việc siết chặt quản lý là việc làm cấp bách, cần thiết.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, hằng năm, Việt Nam nhập khẩu tới 10 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thời gian qua, đã có nhiều hiện tượng đưa chất cấm vào trong chế biến thức ăn chăn nuôi nên việc siết chặt quản lý là một yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, việc quản lý thế nào để vừa bảo đảm chất lượng vừa thúc đẩy sản xuất trong nước đòi hỏi sự chung tay của DN và các cơ quan đơn vị quản lý. Cục Chăn nuôi khuyến khích mô hình xã hội hóa công tác quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, theo đó 14 đơn vị được cục ủy quyền sẽ tham gia kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Sau hơn 1 tháng thông tư 66 có hiệu lực: Cục Chăn nuôi đã tiếp quản 1.794 hồ sơ về thức ăn chăn nuôi, tương đương 1,5 triệu tấn nguyên liệu, nhập từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số đơn vị nhập khẩu là 245, với 233 nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 2 vạn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang lưu hành ở Việt Nam.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt biện pháp quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.