(HNM) - Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn Hà Nội được tăng cường. Nhờ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của chủ các cơ sở. Từ nay đến cuối năm 2020, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường và siết chặt hơn nữa.
Kiểm tra gần 71 nghìn cơ sở thực phẩm
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 9 tháng năm 2020, 935 đoàn kiểm tra, thanh tra toàn thành phố, trong đó 10 đoàn thành phố, 78 đoàn quận, huyện, thị xã và 847 đoàn xã, phường, thị trấn đã ra quân kiểm tra, thanh tra toàn diện lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn. Riêng các đoàn liên ngành và chuyên ngành y tế đã kiểm tra được gần 71 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, trong đó 1.306 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt gần 4,8 tỷ đồng; tiêu hủy sản phẩm vi phạm của 108 cơ sở và gần 9 nghìn cơ sở bị nhắc nhở.
Có được kết quả trên, theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố, công tác thanh tra, kiểm tra được tập trung có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, các khâu chế biến có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra thời gian qua, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, thành phố đã khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm... ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh. Nhờ đó, không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả cơ quan chức năng cũng dễ dàng giám sát nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm thường xảy ra tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chưa tuân thủ thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm, thậm chí sử dụng nguồn nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh những thuận lợi, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp không ít khó khăn. Ngoài khó khăn về đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các tuyến còn thiếu so với khối lượng và yêu cầu của công việc, công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy Đảng và chính quyền xã, phường, thị trấn còn chưa quyết liệt và thường xuyên. Việc xử lý vi phạm ở một số xã đã được đẩy mạnh, nhưng kết quả còn hạn chế. Cùng với đó, việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến, nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao… Do đó, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, là mối đe dọa rất lớn đối với sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân.
Hạn chế tối đa thực phẩm “bẩn” đến tay người dân
Theo Sở Y tế Hà Nội, thông lệ vào những tháng cuối cùng của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.
Từ nay đến cuối năm, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm. Cùng với đó, cung cấp thông tin các cơ sở đạt và không đạt về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không an toàn.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cùng với công tác tăng cường thanh tra, kiểm tra, thành phố luôn xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức trong dịp cuối năm. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm... Qua đó, nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình. Mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm thông tin nhanh, chính xác về nguồn gốc thực phẩm lưu thông trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.