(HNMO) – Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với Bộ Tài chính miễn 100% thuế thu nhập trong 3 năm từ 2013 đến 2015 theo kiến nghị trong đề án sáp nhập HBB…
Ngày 24/10, SHB đã tổ chức thành công đại hội cổ đông bất thường năm 2015. Đại hội đã thông qua nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc thông qua giao dịch sáp nhập Công ty Tài chính CP Vinaconex-Viettel (VVF) vào SHB với tỷ lệ phiếu biểu quyết tán thành cao.
Theo đó, SHB sẽ phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu tương ứng 1.000 tỷ đồng để thực hiện hoán đổi toàn bộ cổ phần của VVF theo tỷ lệ 1:1 (1 cổ phiếu VVF đổi lấy 1 cổ phiếu SHB, mệnh giá 10.000 đồng/CP), đưa vốn điều lệ của SHB lên 10.486 tỷ đồng, tổng tài sản SHB năm 2015 đạt 200.000 tỷ đồng, lợi nhuận 1.120 tỷ đồng. Sau sáp nhập SHB sẽ tái cấu trúc VVF thành Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng TNHH một thành viên trực thuộc SHB.
SHB sẽ phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu tương ứng 1.000 tỷ đồng để thực hiện hoán đổi toàn bộ cổ phần của VVF theo tỷ lệ 1:1 |
Về kế hoạch kinh doanh dự kiến, Công ty này sau sáp nhập sẽ đạt tổng lợi nhuận trước thuế 68 tỷ đồng năm 2016, đạt 139,2 tỷ đồng năm 2017, đạt 191,2 tỷ đồng năm 2018 đóng góp hiệu quả vào hoạt động kinh doanh chung của SHB.
SHB cho biết, trước khi đệ trình đại hội cổ đông bất thường thông qua giao dịch sáp nhập, trong 3 năm qua SHB đã tính toán, tìm hiểu kỹ lưỡng hoạt động của VVF và nghiên cứu thị trường tài chính tín dụng tiêu dùng. Tính đến 30/6/2015, tổng tài sản của VVF đạt gần 1.230 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 13,4 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ của các cổ đông lớn như Viettel, Vinaconex tình hình tài chính của VVF lành mạnh trước khi thực hiện giao dịch sáp nhập. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu đến 30/6/2015 là 35% nhưng tổng dư nợ thấp nên giá trị tuyệt đối chỉ là 57 tỷ đồng.
Nhằm hợp tác khai thác tối đa tiềm năng to lớn thị trường dịch vụ tài chính tiêu dùng, SHB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SHB tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài mua cổ phần hoặc liên doanh với Công ty tài chính tiêu dùng SHB sau một thời gian hoạt động với tỷ lệ nắm giữ tối đa theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, SHB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với Bộ Tài chính miễn 100% thuế thu nhập trong 3 năm (2013-2015) theo kiến nghị trong đề án sáp nhập Habubank (HBB) vào SHB; miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm (2016 và 2017), trong đó 50% thuế được miễn theo kiến nghị trong đề án sáp nhập HBB vào SHB, 50% thuế được miễn sau khi nhận sáp nhập VVF).
Bên cạnh đó, nhà băng này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ cho phép SHB phân bổ dự phòng phải trích cho trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành trước năm 2015 trong 10 năm theo khả năng tài chính của Ngân hàng kể từ ngày phát hành trái phiếu; phân bổ dự phòng phải trích cho trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở đi trong vòng 10 năm theo khả năng tài chính của SHB kể từ ngày phát hành trái phiếu; Ngân hàng Nhà nước không cộng nợ xấu từ cho vay, ủy thác đầu tư, trái phiếu VVF khi thực hiện công tác xếp hạng tổ chức tín dụng hoặc khi tính các điều kiện xin cấp phép khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Được biết, tại thời điểm nhận sáp nhập tháng 8/2012, SHB có vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 120.000 tỷ đồng, 240 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước và 2 chi nhánh SHB tại Campuchia, Lào, gần 5000 cán bộ nhân viên. Đến 30/9/2015 quy mô của SHB được nâng lên rõ rệt: Tổng tài sản đạt 183 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 9.486 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 702 tỷ đồng, thị phần huy động và cho vay tăng trưởng vượt bậc. Mạng lưới ngân hàng liên tục được mở rộng với 420 chi nhánh, phòng giao dịch, ATM trên cả nước, 2 chi nhánh nước ngoài với tổng số nhân sự xấp xỉ 6000 CBNV.
Từ mức trên 8% sau khi nhận sáp nhập HBB năm 2012, tỷ lệ nợ xấu đến 30/6/2015 của SHB giảm xuống 2,48%, thấp hơn so với mức 3% quy định của Ngân hàng Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.