(HNM) - Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) do Việt Nam đăng cai tổ chức, sẽ diễn ra tại Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố khác, từ ngày 21-11 đến 2-12-2021. Hiện tại, công tác chuẩn bị của nước chủ nhà, nhất là về khâu chuyên môn đang được thực hiện khẩn trương. Như khẳng định của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn thì tại SEA Games 31 năm 2021, Việt Nam sẽ để lại dấu ấn về chuyên môn.
Gắn liền với chương trình thi đấu của Olympic, ASIAN Games
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn, còn hơn một năm nữa sẽ diễn ra SEA Games 31-2021, công tác chuẩn bị của nước chủ nhà về chuyên môn đang được tiến hành khẩn trương.
“Gần nhất, vào đầu tháng 7, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự thảo quyết định phê duyệt Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 năm 2021. Các nhiệm vụ chính được đặt ra trong đó có tuyển chọn, đào tạo lực lượng vận động viên Việt Nam tranh tài các môn thể thao dự kiến sẽ được tổ chức tại SEA Games 31”, ông Trần Đức Phấn cho hay.
Cũng theo đề án trên, Việt Nam dự kiến tổ chức 36 môn thể thao cùng 4 môn thể thao theo đề xuất của các nước trong khu vực Đông Nam Á và được hầu hết các nước thành viên thông qua. Như vậy, Việt Nam sẽ tổ chức không quá 40 môn thể thao tại SEA Games 31-2021.
Về tiêu chí để lựa chọn các môn thi đấu tại SEA Games 31-2021, với mong muốn đổi mới ở sân chơi khu vực, Việt Nam quyết định đưa hầu hết các môn thi đấu tại Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAN Games) vào chương trình thi đấu.
Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Hoàng Quốc Vinh nhận định: “Chỉ tổ chức tối đa 40 môn thi đấu sẽ giúp công tác điều hành giải đấu dễ dàng hơn. Ngoài ra, SEA Games 31-2021 sẽ liên thông với chương trình thi đấu ở Olympic, ASIAN Games. Chúng tôi tin rằng, chất lượng chuyên môn của đại hội sẽ được nâng tầm hơn hẳn những kỳ SEA Gamnes trước đây, giúp các đoàn không xáo trộn quá nhiều trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31 cũng như các kỳ cuộc diễn ra sau đó, trong đó có ASIAN Games 2022 hay xa hơn là Olympic 2024”.
Còn theo huấn luyện viên trưởng đội tuyển đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn, chắc chắn rằng, với định hướng chương trình thi đấu của SEA Games 31, thành tích của vận động viên Việt Nam trong nhóm môn Olympic, trong đó có đấu kiếm, sẽ cải thiện rõ nét so với SEA Games 30 năm 2019.
Chuẩn bị kỹ để hoàn thành mục tiêu kép
Khi đăng cai SEA Games 31, thể thao Việt Nam đương nhiên phải hướng đến mục tiêu kép. Đó là không chỉ tạo nên một sân chơi công bằng, tiếp cận chuẩn chương trình thi đấu của Olympic hay ASIAN Games mà còn phấn đấu giành vị trí xếp đầu toàn đoàn. Muốn được như vậy, thể thao Việt Nam phải chuẩn bị kỹ về lực lượng vận động viên.
Đề cập đến vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho hay: “Từ vài năm nay, chúng tôi đã đầu tư cho các vận động viên sẽ tranh tài ở SEA Games 31 cũng như các sân chơi lớn khác như ASIAN Games 2022, Olympic 2024. Thời điểm hiện tại, những vận động viên này đang nỗ lực, tập luyện nghiêm túc”.
Cũng theo chia sẻ của ông Trần Đức Phấn, khó khăn lớn nhất của thể thao Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31 hiện nay chính là việc tập huấn, thi đấu nước ngoài của nhiều đội tuyển để nâng trình độ không diễn ra theo kế hoạch; chuyên gia nước ngoài của một số đội tuyển như bóng bàn, bơi… chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi đó, chỉ có thi đấu, tập huấn quốc tế hoặc được chuyên gia nước ngoài huấn luyện mới giúp vận động viên Việt Nam nâng cao trình độ, đẳng cấp.
Từ đầu năm đến nay, thể thao Việt Nam mới thực hiện được hơn chục cuộc tập huấn, thi đấu quốc tế. Một số cuộc tập huấn đang thực hiện cũng phải cắt ngắn hành trình để vận động viên về nước phòng, chống dịch. Đơn cử như trường hợp của đội tuyển bắn súng đang tập huấn tại Hàn Quốc đã phải về nước giữa chừng do Hàn Quốc bùng phát dịch Covid-19.
Để giải quyết khó khăn về thi đấu cọ xát hiện nay, ông Trần Đức Phấn cho rằng, có thể tính tới việc tăng cường tổ chức các giải trong nước để vận động viên, nhất là nhóm chuẩn bị cho SEA Games 31, giữ được cảm giác thi đấu.
Còn theo ông Bùi Vinh, huấn luyện viên cờ vua Hà Nội, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tập luyện trực tuyến giữa các vận động viên với chuyên gia nước ngoài. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng đề xuất, ngành Thể thao sớm lên kế hoạch đưa các chuyên gia Hàn Quốc, Trung Quốc ở một số đội tuyển trở lại Việt Nam như một số ngành đã thực hiện.
Rõ ràng, khâu chuẩn bị để tạo nên thành công ở một kỳ SEA Games ngay trên sân nhà hoàn toàn không đơn giản. Việt Nam cần vận dụng sáng tạo trong cách làm để khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu kỳ đại hội đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.