(HNMO) – “Nóng” nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát sáng 11-6 là việc các địa phương cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng trên diện tích lớn.
Sẽ xem xét rút giấy phép đầu tư đã cấp không phù hợp
Việc hơn 10 địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê gần 400.000 ha đất trồng rừng đã được các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Lê Như Tiến, Nguyễn Thị Hồng Hà, Nguyễn Đình Xuân, Trần Việt Hưng quan tâm chất vấn và tái chất vấn tận cùng.
Các đại biểu quan tâm đến trách nhiệm của Bộ và các địa phương liên quan cũng như hướng giải quyết, xử lý vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đúng là cuối năm 2009 vừa qua, đã có 10 địa phương có văn bản chấp thuận các dự án đầu tư cho nước ngoài thuê đất trồng rừng với tổng diện tích hơn 305.000 ha. Tuy nhiên, trên thực tế, địa phương mới có văn bản giao cho thuê 50 năm là 15.664 ha và đồng ý liên doanh, liên kết giữa các DN trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài là 18.600 ha.
Theo các luật đầu tư và đất đai, việc xem xét cho thuê đất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc thẩm quyền UBND các tỉnh, Bộ NNPTNT chỉ có ý kiến khi được các địa phương yêu cầu nên Bộ trưởng thừa nhận, việc cho thuê đất này Bộ chỉ biết khi có dư luận phản ánh.
Sau khi có thông tin, Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng việc giao đất này, đồng thời giao Bộ NNPTNT và các Bộ liên quan tiến hành kiểm tra, báo cáo. Bộ NNPTNT đã trực tiếp kiểm tra ở 2 địa phương thì thấy, các địa phương đều thực hiện nghiêm túc theo quy định hiện hành, có xem xét tới các khía cạnh về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận, có trường hợp địa phương chưa sâu sát nên đã xảy ra tình trạng cấp đất nhầm cả vào phần đất đã được giao cho những hộ khác. Bộ đã đề nghị các địa phương kiểm điểm trách nhiệm trong việc tham mưu, thẩm định.
Cũng theo Bộ trưởng, hơn 305.000 ha đất được cấp cho các DN nước ngoài đều là đất được quy hoạch để trồng rừng sản xuất, không có rừng tự nhiên hay đặc dụng, phòng hộ.
Về quan điểm của Bộ NNPTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, cách đây 5-10 năm, do có nhiều đất trống, đồi núi trọc nên Việt Nam đã kêu gọi các đối tác nước ngoài tham gia trồng rừng và một số nhà đầu tư nước ngoài đã vào. Nhưng hiện nay tình hình đã khác, đất đai trồng rừng hạn chế hơn và người dân trong nước cũng có nhu cầu đầu tư, vì vậy, cần phải xem xét thay đổi chính sách.
Với những đất đã được giao và cấp phép, Bộ trưởng cho rằng, đều phải chiếu theo luật pháp để xem xét và trong từng trường hợp cần phải cân nhắc kỹ, tính tới hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, giải quyết thận trọng từng trường hợp.
Về kiến nghị sửa đổi chính sách, Bộ trưởng cho biết, phải chờ sau đợt kiểm tra liên ngành, từ đó mới có đề xuất. Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi chính sách cũng cần tính đến yêu cầu về ổn định luật pháp. Tuy nhiên, trước tiên có thể xem xét lại việc phân cấp, vì hiện nay theo thẩm quyền, các địa phương được phép cấp đất cho các dự án lên tới diện tích 100.000 ha.
“Đính chính” lại những con số Bộ trưởng Cao Đức Phát công bố, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình cho biết, qua giám sát của Ủy ban, thực tế đã có 19 tỉnh cấp giấy phép với diện tích gần 400.000 ha. Đáng chú ý, đất này có rơi vào vùng đất rừng tự nhiên, đặc dụng, vùng cần bảo vệ an ninh quốc phòng. Trong số các DN được cấp đất, riêng một công ty của Đài Loan đã được cấp gần 200.000 ha.
Làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, việc phân cấp theo Luật đầu tư khi đi vào cuộc sống đã phát huy hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài nhưng cũng qua đó nảy sinh nhiều vấn đề như: sân golf, trồng rừng, khai thác khoáng sản… Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ rà soát lại mặt được, chưa được của việc phân cấp, để từ đó có điều chỉnh cho phù hợp.
Về việc cấp đất để trồng rừng cho các DN nước ngoài, sau khi có thông tin, Chính phủ đã cho kiểm tra và khẳng định, đúng là có việc giao gần 400.000 ha đất cho DN nước ngoài, trong đó tập trung vào một cty Đài Loan gần 200.000 ha.
Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, Bộ sẽ kiên quyết xem lại các quyết định giao đất, trên cơ sở vừa đảm bảo môi trường đầu tư nhưng vẫn tuân thủ đúng pháp luật. Theo đó, những dự án hợp lý, quy mô vừa phải thì sẽ được tiếp tục thực hiện, những dự án chiếm dụng quá nhiều đất rừng thì sẽ bị rút phép.
“Việc rút này chúng ta làm được vì giấy phép đầu tư phải căn cứ vào các luật và nghị quyết có liên quan. Lĩnh vực khoáng sản cũng như vậy, đầu tư nhưng không triển khai, để chiếm dụng đất… cũng sẽ bị thu hồi giấy phép.
Hiện Bộ KH&ĐT đang đi kiểm tra và trình Chính phủ xử lý. Chúng ta có thể xử lý vấn đề này vừa đảm bảo môi trường đầu tư, vừa đảm bảo an ninh quốc gia…”, Bộ trưởng Phúc nói.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, nhất là về phần trách nhiệm là tư lệnh ngành, đại biểu Nguyễn Đình Xuân đánh giá thẳng: “Việc cho DN nước ngoài thuê đất trồng rừng đã rõ là Bộ trưởng không nắm được vấn đề... Chúng ta cho thuê gần 400.000 ha đất, bằng diện tích của cả tỉnh Tây Ninh mà Bộ không biết thì trách nhiệm thế nào?”.
Không chối bỏ trách nhiệm, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, trong vụ việc này, Bộ NNPTNT có phần trách nhiệm. Tuy nhiên, Bộ không thể làm những việc không đúng thẩm quyền. Trường hợp này các địa phương cho thuê đất chứ không cho thuê rừng nên không hỏi ý kiến Bộ. Chỉ khi có ý kiến dư luận và được Chính phủ giao, Bộ mới tiến hành điều tra và có báo cáo.
“Nếu có điểm gì không làm đúng luật pháp thì chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ”, Bộ trưởng Phát nói.
Hỗ trợ phải được thực hiện phù hợp với quy luật thị trường
Làm sao để đảm bảo thu mua lúa cho người dân có lãi tối thiểu 30%, cách tính giá thành sản xuất còn chưa hợp lý… là những vấn đề được các đại biểu Hồ Thị Thu Hằng, Trần Ngọc Vinh, Mai Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Danh Út đặt ra.
Theo giải trình của Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc xác định giá thu mua thì Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao chủ trì hướng dẫn cách tính và đã có công văn hướng dẫn, các địa phương chủ động tiến hành và có báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính làm việc với Hiệp hội lương thực Việt Nam để xác định giá thành sản xuất.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định giá thành lúa vụ Đông Xuân 2009-2010 trung bình 2.600-3.000 đ/kg. Với giá lúa trên thị trường khoảng 4.000 đ/kg, mức lãi của nông dân đã gần 30% giá thành.
Theo hướng dẫn trên, vụ Đông Xuân 2009-2010, tỉnh An Giang báo cáo giá thành trung bình lúa Đông Xuân ở mức 2.960 đ/kg, giá bán lúa ở mức 4.100 đ/kg, như vậy mức lãi giữa giá bán so với giá thành là 1.140 đ/kg (39%). Tuy nhiên, mức lãi 30% là mức lãi trung bình cho người sản xuất, còn những hộ mua đất, thuê đất, thuê nhiều nhân công thời vụ, năng suất lúa thấp hơn trung bình có giá thành cao hơn nên mức lãi thấp hơn.
“Đúng là giá thành mỗi nơi khác nhau nhưng giá trên thị trường là một. Chúng ta không thể đặt ra một mức giá mà DN mua rồi không thể bán, phải căn cứ vào giá thế giới. Chúng tôi cố gắng sao cho giá trong nước tiệm cận giá thế giới và hỗ trợ nông dân giảm giá thành để có lợi nhuận cao hơn”, Bộ trưởng nói.
Về những yếu tố chưa được tính tới trong cách tính giá như: giá thuê đất để trồng lúa, rủi ro do thiên tai dịch bệnh…, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, những yếu tố này trong bảng hướng dẫn có đủ. Hiện nay trên cả nước Việt Nam việc sản xuất lúa hầu hết là do các hộ nông dân thực hiện. Hộ nông dân trồng lúa được Nhà nước giao đất để sản xuất, không thu tiền và được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, miễn thủy lợi phí. Do vậy, tiền thuê hoặc mua đất chỉ nằm trong cơ cấu giá thành sản xuất lúa của một số ít hộ nông dân.
“Chúng ta không thể chỉ lấy giá thành nhân với 30% rồi giao DN thu mua như vậy. Không thể áp đặt giá cho thị trường mà vẫn phải tuân theo thị trường”, Bộ trưởng nói.
Về việc thu mua lúa vụ hè thu đang vào vụ, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, đặc biệt là Hội lương thực VN để thu mua lúa cho nông dân với số lượng ước tính khoảng 5,5 triệu tấn. Do số lượng lớn nên phải thu mua nhịp nhàng mới đảm được bảo giá.
“Kể cả với mức thu mua 4000 đồng thì nông dân cũng chưa đạt được mức lãi 30%. Do đó, phải tìm các biện pháp để có thể nâng thời gian thu mua. Quan trọng là thu mua kịp thời, không ùn tắc, như vậy mới tránh rớt giá”, Bộ trưởng nói.
Về lâu dài, sản xuất lúa gạo vẫn là lợi thế của Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng lúa tốt hàng đầu thế giới, do đó nên phát huy, có tồn tại thì cần khắc phục, như vậy, vừa đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam, vừa đem lại việc làm cho nông dân. Hiện Chính phủ cũng đang tích cực đầu tư hạ tầng, ngăn chặn ảnh hưởng biến đổi khí hậu, phát triển giống và triển khai KHCN để giúp nông dân sản xuất năng suất cao, giảm giá thành, phát triển thị trường.
Làm rõ thêm về vấn đề xác định giá thu mua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, để giá được sát thực tế, Bộ đã đề nghị các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình và chi phí thực tế, đối với từng sản phẩm cụ thể, để đưa ra mức giá hợp lý, từ đó Bộ công bố giá sàn. Sắp tới, nếu còn vấn đề nào chưa rõ Bộ sẽ có hướng dẫn tiếp.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết thêm về công tác soạn thảo và ban hành Nghị định liên quan đến việc thu mua lúa. Theo Bộ trưởng, Nghị định này đặt ra nhiều yêu cầu rất cao và đến nay đã qua 9 lần sửa đổi và trình Chính phủ. Tuy nhiên, còn tồn tại ở 2 điểm chính: cơ quan nào chịu trách nhiệm công bố giá thành sản xuất lúa và cơ quan công bố giá sàn gạo xuất khẩu. Dự kiến, Nghị định giao Bộ Tài chính công bố giá thu mua. Giá thu mua này được xác định trên cơ sở Bộ Tài chính giao UBND các tỉnh quyết định giá lúa của địa phương, trên cơ sở giá lúa hàng năm và từng vụ, đối với từng khu vực rồi Bộ Tài chính công bố giá lúa bình quân. Còn giá xuất khẩu sẽ do Hiệp hội lương thực VN công bố trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.