(HNMO) – Bộ Xây dựng đang khẩn trương lập dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định và xây dựng lộ trình xử lý nhà nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng trong khu vực đô thị, đặc biệt là tại những đô thị lớn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Lê Quang Hùng nêu rõ: việc kiểm tra, đánh giá nhà nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng phải thực hiện dựa trên những quy trình kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành. Những quy trình kỹ thuật này sẽ sớm được Bộ hoàn thiện, gửi tới UBND các tỉnh để địa phương nắm được và phối hợp thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi đánh giá chất lượng các công trình này, cơ quan chức năng chuyên ngành sẽ tổ chức kiểm định đối với những công trình xuống cấp, nguy hiểm để lên phương án cải tạo, sửa chữa phù hợp.
Có thể thấy, sau sự cố ngày 22/9/2015, căn nhà cổ cao 2 tầng hơn 100 năm tuổi bị xuống cấp trầm trọng tại 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm Hà Nội bỗng dưng đổ sập, làm 2 người tử vong, 6 người bị thương… đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về việc kiểm tra, đánh giá chất lượng chung cư cũ, nhà hết niên hạn sử dụng để đảm bảo an toàn và tính mạng của nhân dân.
Hiện trường nhà 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bị sập. |
Riêng trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 1.516 chung cư cũ, quy mô từ 2 - 5 tầng, hầu hết được xây dựng từ những năm 60 - 80 của thế kỷ XX, một số ít chung cư được xây dựng từ trước năm 1954. Chung cư cũ được bố trí khắp thành phố, song tập trung chủ yếu ở các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Những chung cư này được xây dựng theo các tiểu khu nhà ở bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đến nay, nhiều công trình đã hết niên hạn sử dụng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm do hệ thống hạ tầng đã xuống cấp, cần được cải tạo.
Về trách nhiệm quản lý nhà 107 Trần Hưng Đạo cũng như các công trình biệt thự cổ trên địa bàn TP, ông Nguyễn Chí Dũng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Trách nhiệm của chủ quản lý, sử dụng đã được quy định rất rõ tại Luật Nhà ở, Nghị định 34 của Chính phủ, đó là hàng năm chủ quản lý, sử dụng phải lập kế hoạch duy trì, cải tạo. Nếu nhà có nguy cơ không bảo đảm an toàn, chủ sử dụng phải có trách nhiệm thuê tư vấn kiểm định chất lượng. Nếu kết quả kiểm định nhà ở cấp độ D, tức nhà nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ, chủ sử dụng phải thực hiện ngay việc di dời khẩn cấp, lập dự án cải tạo, xây dựng lại.
Nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước do Thành phố quản lý thì Thành phố phải duy trì, cải tạo và kiểm định chất lượng nếu có nguy cơ không bảo đảm an toàn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố, UBND TP Hà Nội đã rà soát toàn bộ quỹ nhà biệt thự trên địa bàn. Từ đó, phân loại, sắp xếp theo từng nhóm I, II, III. Từng nhóm nhà lại có quy định cụ thể để thực hiện việc bảo tồn. “Với nhà nguy hiểm cấp độ D, chủ đầu tư phải di dời, lập dự án phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Trường hợp buộc phải xây dựng lại do không bảo đảm chất lượng, nếu là nhà nhóm I và II, công trình xây dựng lại phải đúng nguyên trạng biệt thự cũ. Cụ thể nhà 107 Trần Hưng Đạo thuộc nhóm II" - ông Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, việc cải tạo chung cư cũ, nhà nguy hiểm ở Hà Nội được đánh giá là đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Quốc Hoa - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: Một trong những khó khăn đầu tiên là vấn đề sở hữu. Chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội hiện nay thuộc 3 hình thức sở hữu chính là: Sở hữu Nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu của một số tổ chức, công ty. Đối với nhà chung cư thuộc sở hữu tư nhân (chiếm tỷ lệ lớn), tổ chức, khi muốn cải tạo phải có sự đồng thuận của tất cả các gia đình sở hữu căn hộ thuộc chung cư đó… Ngay như, ngôi nhà cổ 107 Trần Hưng Đạo vừa bị sập, Tổng công ty Đường sắt sử dụng nhưng quyền sở hữu lại thuộc Nhà nước.
Ông Bùi Trung Dung - Cục trưởng Cục Quản lý Hoạt động Xây dựng cũng cho rằng xử lý các vấn đề chung cư cũ, nhà nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng hiện nay gặp khó khăn lớn nhất là vấn đề sở hữu, do đó cần phải có cơ chế quyết liệt để giải quyết vướng mắc này. Mặt khác trong cải tạo chung cư cũ, nhà hết niên hạn sử dụng, cần quy hoạch xây dựng hạ tầng cho từng công trình, từng khu vực rồi nhân rộng ra.
Ngày 23/9/2015, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã ký công văn gửi UBND TP Hà Nội và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong cả nước về việc tổ chức giải quyết sự cố công trình 107 Trần Hưng Đạo, TP. Hà Nội; rà soát các công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng trên toàn quốc. Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nghiên cứu, triển khai thực hiện một số việc như: Rà soát, phát hiện các công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng; khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình, hạng mục công trình này và có biện pháp xử lý theo đúng qui định tại Điều 44 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP. Rà soát các công trình hết thời hạn sử dụng trên địa bàn (trong đó đặc biệt lưu ý các biệt thự cũ và các nhà cổ) và có biện pháp xử lý theo đúng quy định tại Điều 45 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP. Yêu cầu các chủ sở hữu, người quản lý sử dụng phải thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy định tại Chương V của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và kiểm tra công tác bảo trì của các tổ chức, cá nhân nêu trên. Bộ Xây dựng cũng đề nghị chủ sở hữu công trình, đặc biệt là các công trình đã hết thời hạn sử dụng, tăng cường chủ động kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu mất an toàn, kịp thời thông báo cho chính quyền các cấp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện công tác kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng; có biện pháp khắc phục kịp thời để bảo đảm an toàn cho công trình. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.