(HNM) - Ngày 24-3, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến về hoạt động quản lý kinh doanh xăng, dầu. Những khúc mắc của dư luận xung quanh việc quản lý và điều chỉnh giá xăng, dầu thời gian qua đã được đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) giải đáp.
Khách hàng mua xăng tại một trạm xăng dầu trên đường Láng. Ảnh: Đàm Duy |
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, thông qua Nghị định 84/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu, Nhà nước đã trao cho doanh nghiệp (DN) một phần quyền quyết định giá xăng, dầu theo định hướng thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện thông qua các quy định về thời điểm, mức độ điều chỉnh giá. Như vậy, DN được quyền quyết định giá, Nhà nước quản lý giá. Khi giá thị trường ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, Nhà nước có quyền điều tiết. Từ khi Nghị định 84 có hiệu lực, các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối đã điều chỉnh giá bán theo đúng quy định và đến nay chưa phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, nhận xét về đợt điều chỉnh giá xăng sau kỳ nghỉ Tết vừa qua, Thứ trưởng cho rằng, các DN đã quyết định thiếu "nhạy cảm". Bởi giá xăng, dầu mới được điều tiết theo thị trường, người dân chưa thực sự quen với cách làm này, trước đó, mặt hàng này đã được Nhà nước bù giá quá lâu. Song, ông khẳng định, không thể lấy lý do "thời điểm nhạy cảm" để bắt DN không được tăng giá xăng, dầu.
Xung quanh thắc mắc về việc vì sao chưa sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, đại diện Bộ Tài chính và Công thương cho biết, tính đến đầu tháng 3-2010, quỹ này đã có số dư khoảng 1.500 tỷ đồng. Quỹ sẽ được sử dụng khi giá xăng, dầu cơ sở tăng mạnh, tạo biến động giá lớn và gây bất ổn cho đời sống xã hội.
Liên quan câu hỏi: liệu Petrolimex có là DN độc quyền hay không khi thị phần của DN này trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu lên tới 60%? Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, đang có sự hiểu lầm về tỷ trọng của Petrolimex. Trên thực tế DN này hiện có khoảng 1.995 cây xăng (tương đương khoảng 20% trong tổng số 10.000 cây xăng trên thị trường); tổng số đại lý chiếm khoảng 40% trên thị trường. Như vậy, DN này chỉ ưu thế hơn các DN đầu mối xăng, dầu khác tại gần 2.000 cây xăng thuộc sở hữu của DN (tương đương với 20% thị phần). Như vậy nếu Petrolimex giảm giá mà DN khác không giảm hoặc khi Petrolimex tăng giá mà các DN không tăng thì chính Petrolimex sẽ thiệt hại đầu tiên. Theo kế hoạch, năm 2010 Petrolimex là một trong những DN nhà nước sẽ thực hiện cổ phần hóa. Sự kiện này sẽ giúp Petrolimex thực hiện tốt hơn nhiệm vụ cung ứng xăng, dầu được Chính phủ giao. Thêm vào đó, khi một DN kinh doanh xăng, dầu đa sở hữu đương nhiên sẽ tốt hơn cho toàn xã hội. Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, không chỉ Petrolimex mà các DN kinh doanh xăng, dầu khác cũng nên hoạt động theo mô hình công ty cổ phần…
Dưới sự quản lý của liên bộ Tài chính - Công thương, giá xăng, dầu thời gian tới sẽ tiếp tục được điều hành theo định hướng thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Những bất cập xung quanh việc điều hành mặt hàng thiết yếu này sẽ tiếp tục được các ngành chức năng nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với thực tế nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.