(HNMO) - Ngày 18-12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ chín thông qua ngày 10-6-2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021. Điểm cầu Trung ương tại Bộ Tư pháp và 63 điểm cầu tại Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại hội nghị, báo cáo viên Bộ Tư pháp đã truyền đạt các nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Trong đó, tập trung vào những nội dung được sửa đổi, bổ sung, những điểm mới được quy định; quy trình tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp, kỹ năng pháp lý cơ bản của người giám định tư pháp, giám định tư pháp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người yêu cầu tố tụng…
Đáng lưu ý, so với quy định hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp nới điều kiện mở văn phòng giám định tư pháp.
Cụ thể, giám định viên tư pháp chỉ cần có từ đủ 3 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập văn phòng thay vì phải hoạt động từ đủ 5 năm trở lên trong lĩnh vực đề nghị thành lập văn phòng mới được mở văn phòng. Về thời hạn giám định tư pháp, luật mới quy định cụ thể tối đa không quá 4 tháng.
Hội nghị cũng đã trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác giám định tư pháp tại địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.