Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ nhân rộng công nghệ cải tạo

Đức Trường| 02/04/2010 06:49

(HNM) - Trước khi có chủ trương xã hội hóa Đề án "Cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội", Hà Nội đã tiến hành cải tạo, nạo vét, xây kè nhiều hồ lớn trong thành phố. Thời gian qua, Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) Hà Nội vẫn kiên trì quan trắc, chờ đợi kết quả thử nghiệm xử lý môi trường nước ở 7 hồ nội thành. Với kết quả ban đầu của đợt xử lý thử nghiệm này đã có thể xây dựng hướng duy trì chất lượng nước hồ sau khi đã được cải tạo.

Kết quả thử nghiệm khả quan

Năm 2009, UBND TP Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành để xem xét và thống nhất lựa chọn 4 phương án công nghệ của các đơn vị đăng ký xử lý thử nghiệm. Tổ công tác đã đề xuất 7 hồ được xử lý thử nghiệm, gồm các hồ Quỳnh, Hai Bà Trưng (quận Hai Bà Trưng), Ngọc Khánh, Xã Đàn, Kim Liên, Dài (quận Đống Đa), Ao Đình Ngọc Hà (quận Ba Đình). Thời gian thử nghiệm từ tháng 10-2009.

Cảnh quan hồ Ngọc Khánh sau khi xử lý thử nghiệm đã cải thiện, được người dân hoan nghênh.

Công ty CP Xanh áp dụng phương pháp "Xử lý giảm thiểu ô nhiễm nước mặt bằng công nghệ quản lý tổng hợp các thủy vực với sự tham gia của cộng đồng" cho các hồ Quỳnh, Ngọc Khánh, Xã Đàn. Sau 5 tháng thử nghiệm, nước hồ đã trong hơn và không có mùi hôi. Điểm đáng ghi nhận là hiện vẫn đang trong mùa khô, nước bổ sung vào hồ chủ yếu là nước thải sinh hoạt nhưng các chỉ số vẫn có xu hướng giảm và ổn định. Một số chỉ tiêu đã đạt tiêu chuẩn theo quy định. Cảnh quan các hồ được cải thiện, vệ sinh trên hồ và xung quanh được bảo đảm, bước đầu nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng dân cư xung quanh.

Trong khi đó, Viện Hóa học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam dùng công nghệ "Phục hồi cảnh quan hồ bằng giải pháp tổ hợp sinh học kết hợp với phương pháp kết tủa" cho hồ Hai Bà Trưng. Chất lượng nước hồ mùa khô đã được cải thiện so với các số liệu quan trắc trước khi xử lý (mùa mưa), Chlorophylla có xu hướng có sự giảm rõ rệt. Nước trong hơn và không có mùi hôi. Cảnh quan trên hồ cũng cải thiện từng bước, hạn chế tình trạng rác nổi. Kết quả quan trắc cho thấy hầu hết chỉ tiêu cơ bản đạt quy chuẩn và ổn định.

Bà Trần Kim Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường (QT&PTTNMT) Hà Nội nhận xét, 4 hồ được xử lý bằng 2 phương pháp trên có hiệu quả rõ rệt, diễn biến chất lượng nước hồ đang tiến triển theo chiều hướng tích cực. Kết quả quan trắc chất lượng trong quá trình xử lý vào tháng 11-2009, tháng 12-2009, tháng 2-2010, tháng 3-2010 của Trung tâm đã phản ánh xu hướng giảm nồng độ các chất ô nhiễm tại hồ tùy thuộc vào từng công nghệ xử lý, các chỉ tiêu dần tiệm cận với tiêu chuẩn theo quy định.

Từ khi tiến hành xử lý và lắp đặt hệ thống bè nổi trồng thủy thực vật trên các hồ, người dân xung quanh, người quản lý cá trong hồ cho biết cá trong hồ ít chết hơn, giảm được mùi hôi, tanh. Trong một lần đi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã đánh giá cao hiệu quả của 2 phương án công nghệ của 2 đơn vị trên bởi nước hồ đã được cải thiện đáng kể dù vẫn đang trong mùa khô.

Sẽ nhân rộng công nghệ hiệu quả nhất

Ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chi cục trưởng Chi Cục BVMT Hà Nội cho biết, 3 hồ còn lại là Ao Đình Ngọc Hà, hồ Dài, Kim Liên cũng có chuyển biến tốt nhưng chậm và cần có thêm thời gian để theo dõi và đánh giá hiệu quả của công nghệ đang áp dụng. Ông khẳng định, vì Công ty CP Xanh và Viện Hóa học thử nghiệm tại 4 hồ có kết quả tốt hơn với chi phí hợp lý nên đã được đề xuất lên TP để xem xét tiếp tục nhân rộng công nghệ này trên một số hồ trong năm 2010.

Hồ Thành Công là một trong các hồ ở mức độ 1 cần xử lý. Ảnh: Nguyệt Ánh

Thời gian qua Chi cục phối hợp với Trung tâm QT&PTTNMT đã thu thập thông tin và khảo sát hiện trạng 24 hồ đã kè bờ nằm trong đề án "Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội". Những hồ này đều có dấu hiệu ô nhiễm, một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép, nước có màu xanh, xanh đen, mùi hôi. Một số hồ có lượng nước thải lớn chảy vào như: Đền Lừ, Nghĩa Tân, Thiền Quang. Nhiều hồ có mật độ tảo lớn như: Hữu Tiệp, Trúc Bạch, Văn Chương, Công Viên, Phương Liệt... Nhiều hồ được dùng để nuôi cá.

Căn cứ kết quả khảo sát và quan trắc chất lượng nước, 24 hồ này được chia làm 3 loại mức độ cần thiết phải xử lý. Mức độ 1 gồm các hồ Thiền Quang, Thành Công, Nghĩa Tân, Văn Chương, Văn Quán, Giảng Võ, Hữu Tiệp (7 hồ). Mức độ 2 gồm các hồ Ủy ban Bồ Đề, Võ, Trúc Bạch, Đền Lừ, Thanh Nhàn 1, Phương Liệt, Ao Lâm Du (7 hồ). Mức độ 3 gồm hồ Không Quân, Thanh Nhàn 2A, 2B, Thủ Lệ, Công Viên, Giáp Bát, Mục Dục, Hồ Bách Thảo 1, 2 (10 hồ).

Ông Lưỡng cho biết thêm, trong năm 2010, Hà Nội tiếp tục mở rộng, lựa chọn thêm đơn vị để tham gia thử nghiệm nhằm đa dạng hóa loại hình công nghệ phù hợp với đặc tính của từng hồ. Tuy nhiên, cần có thêm thời gian để đánh giá tính ổn định của công nghệ đã áp dụng thử nghiệm ở các hồ, nhất là việc xử lý bùn tích lũy dưới hồ trong nhiều năm. Về lâu dài, để chất lượng nước hồ nội thành ổn định và không bị ô nhiễm trở lại, Hà Nội cần xây dựng phương án không để nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh chảy vào các hồ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẽ nhân rộng công nghệ cải tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.