(HNMO) – Sáng 25-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì phiên họp tập thể tháng 7 để bàn về đề án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (tỷ lệ 1/500) và Khu di tích Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000).
Đề dẫn tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nêu rõ: TP đang tập trung cho quy hoạch chung Thủ đô trong đó quan tâm đến quy hoạch của các di sản Thủ đô, như Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa, để giá trị lịch sử không chỉ được bảo tồn mà còn phát huy hiệu quả. Trong thời gian vừa qua, các ngành đã nghiêng về hướng xiết chặt quản lý trong khi đó cần hài hòa giữa quản lý và phát triển. Điều đó đòi hỏi năng động sáng tạo trong tổ chức, linh hoạt trong quản lý và điều hành trong giai đoạn hiện nay.
Về đề án Quy hoạch Bảo tôn tôn tạo khu di tích Hoàng thành Thăng Long, phát biểu tại hội nghị, KTS Vũ Đình Thành – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm đồ án của Thăng Long cho biết: Nhiệm vụ quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt từ tháng 11/2012. Từ năm 2012, các đơn vị chức năng đã có nhiều bước nghiên cứu, đến tháng 4-2013 đã có Hội đồng quy hoạch cấp TP. Phạm vi nghiên cứu đề án rộng 18ha, bao gồm cả khu 18 Hoàng Diệu. Mục tiêu chính của đề án là bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài như là tư liệu lịch sử lâu nhất, minh chứng vô giá về sự hình thành kinh đô Việt Nam
Theo đó, đề án tập trung nghiên cứu trung tâm Hoàng thành Thăng Long giai đoạn thời Nguyễn, thuộc Pháp và cận đại; nghiên cứu qua các tư liệu về bản đồ và nhận diện lịch sử; đánh giá di tích với tương quan các di sản văn hóa khác.
Đề án đề xuất các biện pháp chính về nguyên tắc kết nối không gian lịch sử; Đề xuất việc ứng xử với các công trình kiến trúc (lập danh sách 119 công trình kiến trúc, xin ý kiến giữ lại công trình then chốt, hạ giải các công trình không quan trọng); phục dựng điện Kính Thiên….
Góp ý vào đề án quy hoạch, ông Đỗ Đình Hồng – Phó Chánh Văn phòng UBND TP cho rằng trong quy hoạch chưa đánh giá kỹ về phần xã hội học, tư vấn khách tham quan và dịch vụ đưa kèm.
Trong khi đó, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VHTT& DL cho rằng nên coi đây là công viên văn hóa lịch sử, cần thể hiện yếu tố lịch sử để phát huy giá trị. Cần làm phương án khai thác tour nếu làm đường hầm từ Hoàng Thành Thăng Long sang 18 Hoàng Diệu nhưng nên lưu ý vì trong lòng đất có nhiều di tích; cần nghiên cứu cả khu chính trị Ba Đình…
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh lại băn khoăn phối cảnh tổng thể quy hoạch bị cát cứ giữa 18 Hoàng Diệu và Thành cổ; việc tham quan, du lịch, giao lưu cũng khó liên kết. Nên mở không gian từ 18 Hoàng Diệu sang Hoàng thành Thăng Long. Trong khi đó, không cần xây dựng đường hầm nối từ hai bên. Điểm nhấn đầu tư nên tập trung vào khu vực cổng, điện Kính Thiên nhưng cần có lộ trình cụ thể.
Giải trình về việc xây dựng đường hầm, ý kiến từ Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn cho biết: Đường Hoàng Diệu trong tương lai chưa mở rộng đi bộ được, đến năm 2030 vẫn là tuyến giao thông quan trọng nên Viện mới đề xuất xây tuyến đi bộ sang khu trưng bày ngầm dưới đất.
Phát biểu kết luận về các vấn đề trên, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo hoan nghênh Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn đã nghiên cứu đề án rất công phu, khoa học. Đề án đã chỉ ra chi tiết vấn đề bảo tồn, bảo tàng và quy chế thực hiện. Tuy nhiên, cần xây dựng mở để đề án vừa phù hợp trước mắt nhưng vẫn đáp ứng tầm nhìn lâu dài giữa bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị; Quy hoạch hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Trong việc bảo tồn cần xác định danh mục các công trình phục chế, bảo tồn, tôn tạo; trong đó nghiên cứu cả việc có cần đưa các công trình hiện đại bổ sung vào khu bảo tồn không? Cần phân kỳ đầu tư như tại khu vực điện Kính Thiên…; Lưu ý phần phát huy giá trị phục vụ khách tham quan, du lịch (đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã có 10 nghìn lượt du khách tham quan Hoàng Thành Thăng Long).
Riêng về nội dung quy hoạch, Chủ tịch yêu cầu phải nghiên cứu lại khu vực kết nối không gian giữa quảng trường, lăng Bác và khu di tích. Về việc kết nối không gian bên trong giữa Hoàng Thành và 18 Hoàng Diệu, có thể kết nối về hướng nhà Quốc Hội; hoặc sang khu trưng bày triển lãm. Bên cạnh đó, về phía trước quảng trường Đoan Môn phải giữ đúng là sân của cổng thành, không nên gây cản trở hoạt động của cộng đồng bên ngoài hướng vào. Sau Hậu Lâu đến sân điện Kính Thiên phải bảo tồn không gian cổ kính; rà soát các hạng mục, bảo tồn Hậu Lâu, Cửa Bắc theo hướng bảo tồn di vật, khai thác bảo tồn ngoài trời gắn với dịch vụ phục vụ du khách
Ngoài ra về vấn đề bãi đỗ xe cho khách du lịch đến tham quan Hoàng Thành, cần nghiên cứu bãi đỗ xe tĩnh có đủ quy mô và sức chứa. Riêng về việc xây đường hầm, thống nhất đưa phương án trước mắt; phía trục Bắc Sơn có thể không làm nhưng ở trục điện Kính Thiên sang nhà Quốc hội nên để đường hầm….
Chủ tịch đề nghị, các sở ngành của Hà Nội phối hợp với Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn sớm hoàn thiện đề án, báo cáo lại để UBND TP thẩm định.
* Chiều nay, tập thể UBND TP sẽ tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.