(HNM) - Từ đầu năm đến nay, tại Khu đô thị Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) liên tiếp xảy ra 9 vụ vi phạm về trật tự xây dựng. Hầu hết các công trình đều xây vượt quá diện tích và số tầng được ghi trong giấy phép.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là người dân lợi dụng những thay đổi trong cơ chế, chính sách, một phần do sự thiếu kiểm tra giám sát của chính quyền cơ sở. Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Hànộimới chiều 22-9, lãnh đạo UBND phường Trung Hòa và quận Cầu Giấy khẳng định sẽ xử lý kiên quyết, dứt điểm các sai phạm trên.
Điểm tên các công trình vi phạm
"Chúng tôi cảm thấy buồn và lấy làm tiếc trước những vi phạm về TTXD xảy ra trên địa bàn phường trong thời gian qua" - đó là khẳng định của ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa. Ông Đăng cho biết, chỉ trong tháng 4-2014, UBND phường đã lập biên bản cùng lúc 6 trường hợp vi phạm. Điều đáng nói, các vi phạm này xảy ra cùng một thời điểm, trên cùng một lô đất và cùng một mức độ vi phạm.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2011, UBND quận Cầu Giấy cùng các ngành chức năng của thành phố đã hoàn tất thủ tục bán đấu giá quyền sử dụng đất tại các lô C2, C4 Khu đô thị Nam Trung Yên. Ngay khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hộ dân đồng loạt nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng. Theo quy định, tùy vào diện tích, các căn nhà này chỉ được phép xây dựng 1 tầng hầm, 3 tầng nổi với chiều cao công trình từ 10,2m đến 13,6m (tính từ cốt vỉa hè hiện trạng). Giấy phép là như thế nhưng cả 6 hộ dân trên đều xây dựng vượt diện tích và số tầng quy định. Cụ thể, hộ ông Nguyễn Xuân Hùng, bà Bùi Thị Xuyến (thửa 26, ô C2, khu Nam Trung Yên), mặc dù giấy phép chỉ cho xây 3 tầng nhưng đã xây thành 5 tầng. Cũng tương tự, hộ ông Bùi Duy Linh (thửa 19-20, ô C2) xây vượt phép 3 tầng, 1 tum; hộ bà Nguyễn Thị Thu Hiền (thửa số 5, lô 1, ô C4) xây vượt phép 2 tầng; hộ ông Lê Xuân Dũng (thửa 16, ô C2) xây vượt phép 3 tầng, 1 tum; hộ ông Nguyễn Thành Lê và bà Phạm Thị Nụ (thửa 14, ô C2) xây vượt phép 3 tầng.
Có thể thấy, cả 6 trường hợp vi phạm TTXD tại Khu đô thị Nam Trung Yên đều là vi phạm kép, ở mức độ nghiêm trọng nhưng chỉ đến khi công trình đưa vào sử dụng, thanh tra xây dựng mới phát hiện và UBND phường Trung Hòa lập biên bản vi phạm hành chính, làm báo cáo gửi UBND quận Cầu Giấy xin ý kiến chỉ đạo!? (Lý do vì sao, chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau bài viết).
Trong khi 6 trường hợp vi phạm TTXD nêu trên chưa được giải quyết, đến tháng 9-2014, cũng tại khu vực này lại liên tiếp xảy ra 3 vụ vi phạm khác, đó là: Hộ gia đình ông Lê Xuân Trường (thửa 15, lô 1, ô C4) xây vượt phép 1 tầng, đã đổ 4 cột bê tông và đang ghép cốp pha sàn tầng tum; hộ ông Nguyễn Đức Khánh (thửa 29, ô C2) xây vượt phép 2 tầng; hộ ông Vũ Đức Mười và bà Nguyễn Thị Thủy (thửa 15, ô C2) xây vượt phép 2 tầng.
Những vi phạm liên tiếp về TTXD xảy ra trên địa bàn phường Trung Hòa thời gian qua khiến dư luận bức xúc...
Chính quyền nói gì?
Làm việc với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa thẳng thắn thừa nhận những thiếu sót về lĩnh vực quản lý TTXD trên địa bàn phường trong thời gian qua. Ông Đăng cho biết, địa bàn quản lý của phường rất rộng (khoảng 245,7ha), lại được tạm giao quản lý 13,5ha khu tái định cư với 4 tòa nhà thuộc dự án di dân GPMB khu vực Ngã Tư Sở, trong khi lực lượng thanh tra chuyên trách về TTXD mỏng nên việc bao quát rất khó. Cũng từ đầu 2014 đến nay, lực lượng thanh tra xây dựng áp dụng thí điểm ở cấp quận không tồn tại mà chuyển về Sở Xây dựng quản lý. Chính vì không có sự phối hợp liên thông giữa lực lượng thanh tra xây dựng với chính quyền cơ sở, dẫn đến các vi phạm không được phát hiện, xử lý kịp thời. Phường Trung Hòa có 4 cán bộ thanh tra xây dựng chuyên trách nhưng đều là những người mới, chưa nắm vững địa bàn. Việc áp dụng các văn bản mới như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 121/NĐ-CP, Thông tư 02/2014/TT-BXD... cũng còn nhiều bỡ ngỡ…
Về vi phạm xảy ra tại khu C2 và C4 Nam Trung Yên, ông Đăng cho biết, đây là khu đất đấu giá, rộng hơn 5.000m2 (chứ không phải 500m2 như một số báo mạng nêu). 6 công trình xây dựng vi phạm trước thời điểm tháng 4-2014 thực chất là các công trình "lách luật", đó là việc chủ đầu tư lợi dụng thời điểm giao thoa khi Nghị định 121/NĐ-CP có hiệu lực. Sau khi khẩn trương xây dựng vượt phép, các hộ dân lập tức đưa người và đồ đạc vào nhà, đăng ký tạm trú tạm vắng với cơ quan công an. Khi phát hiện vi phạm, chính quyền phường xuống lập biên bản, đình chỉ thi công thì các hộ dân không hoàn thiện nữa. Trong trường hợp này, phường chỉ còn cách lập biên bản "phạt cho tồn tại" theo khoản 9 Điều 13, Nghị định 121/NĐ-CP (công trình xây dựng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng đến các hộ liền kề thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo lỗi vi phạm còn buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc nâng diện tích sử dụng). Về mặt xử lý cán bộ, ngay sau khi phát hiện thanh tra xây dựng có dấu hiệu bao che, thỏa hiệp với chủ đầu tư của 6 công trình vi phạm trên, UBND phường đã tham mưu, đề xuất với UBND quận luân chuyển công tác đối với cán bộ thanh tra này.
Về 3 trường hợp vi phạm trong tháng 9-2014, ông Đăng phân trần: "Phường cũng rất bức xúc và sẽ xử lý kiên quyết những vi phạm phát sinh. Trước thời điểm nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, lường trước được sự việc, chúng tôi đã xuống kiểm tra công trình của 3 chủ đầu tư và yêu cầu họ viết bản cam kết khống chế chiều cao công trình. Vậy mà, lợi dụng 4 ngày nghỉ, những hộ dân này đã xây vượt phép 1-2 tầng và đang tiếp tục gia cố trụ bê tông. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, họ dừng thi công, sau khi rút đi họ tiếp tục làm. Có trường hợp chủ nhà khóa trái cửa để thợ gấp rút hoàn thiện bên trong, nhiều trường hợp cảnh sát khu vực phải hỗ trợ thông qua việc kiểm tra hành chính. Đến thời điểm hiện tại, 3 công trình trên đã bị đình chỉ tuyệt đối. Ngoài việc thực hiện thông báo cắt điện, cắt nước, UBND phường đã chuyển hồ sơ vi phạm để UBND quận Cầu Giấy ra quyết định xử lý theo thẩm quyền".
"Sẽ xử lý dứt điểm trong tháng 9"
Đó là khẳng định của ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy về việc xử lý 3 công trình vi phạm mới phát sinh trên địa bàn quận Cầu Giấy. Ông Hà cho biết, sau khi UBND phường Trung Hòa có báo cáo, ngày 4-9, UBND quận đã ban hành cùng lúc 3 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Riêng đối với trường hợp hộ gia đình ông Vũ Đức Mười, bà Nguyễn Thị Thủy (thửa 15, ô C2) thì UBND quận đã ban hành Quyết định số 5727/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Sau khi nhận quyết định, cả 3 hộ dân đã có đơn trình bày, xin tự tháo dỡ hạng mục vi phạm. Để tạo thuận lợi cho người dân, tránh gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình do ảnh hưởng từ việc cưỡng chế, UBND quận ra hạn 10 ngày để các hộ dân tự tháo dỡ. Hết thời hạn trên, hộ gia đình nào không chấp hành, quận sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế. Quan điểm của UBND quận là sẽ xử lý kiên quyết, đến cùng đối với các vi phạm về TTXD xảy ra trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.