(HNMO) – Chiều 10/1, trong buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: dự kiến nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết nguyên đán Tân Mão trên địa bàn thành phố tăng trên 22% so với các tháng trong năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ khoảng 22.000 tỷ đồng.
(HNMO) – Chiều 10/1, trong buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: dự kiến nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết nguyên đán Tân Mão trên địa bàn thành phố tăng trên 22% so với các tháng trong năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ khoảng 22.000 tỷ đồng.
Theo đó, Sở đang chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng hay sốt nóng.
Chuẩn bị đầy đủ hàng hóa
Theo thống kê của Sở Công thương, dự kiến, nhu cầu tiêu dùng chung một số mặt hàng thiết yếu của người dân Hà Nội trong một tháng là: 65.000 tấn gạo các loại, 10.000 tấn lợn hơi, 2.000 tấn thịt trâu bò, 3.500 tấn thịt gia cầm , 75 triệu quả trứng, 4000 tấn thủy hải sản đông lạnh, 4000 tấn thực phẩm chế biến, 3,1 triệu lít dầu ăn, 3000 tấn đường, 75 tấn rau của các loại.
Ngoài 9 nhóm mặt hàng trên, tháng Tết dự kiến nhu cầu của người dân với một số mặt hàng thiết yếu khác là: bánh mứt kẹo các loại trên 1.300 tấn, rượu – bia - nước giải khát khoảng 85 triệu lít chủ yếu từ Tổng công ty rượu, bia nước giải khát, Công ty cổ phần Thăng Long, Công ty rượu Hà Nội, Công ty bia Việt Hà…
Theo đó, trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng một số nhóm hàng hóa thiết yếu, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp cùng các ngành, các cấp và chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn trên địa bàn đưa hàng hóa ra thị trường Hà Nội trong dịp lễ Noel, Tết dương lịch và Tết nguyên đán 2011. Đó là, Tổng công ty lương thực miền Bắc luôn đảm bảo tồn kho hàng hóa trên 3.000 tấn gạo các loại, đảm bảo chất lượng, bao bì đóng gói đẹp, đa dạng về chủng loại sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán Tân Mão. Công ty xăng dầu khu vực I dự trữ 4 vạn m3 xăng dầu và kế hoạch đảm bảo nguồn hàng về số lượng, chất lượng, chủng loại xăng dầu để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng xăng dầu phát sinh trong dịp Tết trên địa bàn Thủ đô.
Bên cạnh đó, Tổng công ty thương mại Hà Nội và các đơn vị thành viên dự kiến triển khai dự trữ 17 mặt hàng gồm: 500 tấn thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm các loại; 860 nghìn quả trứng gia cầm, 2.568 tấn thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến… với tổng trị giá khoảng 785 tỷ đồng. Tổng công ty bia – rượu- nước giải khát và các công ty rượu, bia khác trên địa bàn thành phố, sản xuất đưa ra thị trường khoảng trên 85 triệu lít bia, rượu nước khát… Các trung tâm thương mại, siêu thị như Metro, Big C, Intimex, Fivimart, Co.op mart dự trữ đầy đủ các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền hàng khoảng trên 1.500 tỷ đồng.
Mặt khác, thành phố đã lựa chọn được 14 doanh nghiệp để tạm ứng 400 tỷ đồng vốn bình ổn giá để dự trữ bán thường xuyên 9 nhóm mặt hàng thiết yếu: gạo trắng thường (6.400 tấn), thịt gia súc (1.500 tấn), thịt gia cầm (560 tấn), thủy hải sản đông lạnh (800 tấn), thực phẩm chế biến (1.200 tấn), trứng gia cầm (12 triệu quả), dầu ăn các loại (240 nghìn lít), đường RE (240 tấn), rau củ các loại (4000 tấn).
Ông Đồng cho biết, Sở Công thương đã hướng dẫn 14 doanh nghiệp được thành phố cho tạm ứng vốn thực hiện việc dự trữ hàng hóa, tổ chức bán hàng tại 397 địa điểm; tại các điểm bán hàng phải treo biển nhận diện theo đúng mẫu quy định của thành phố; trong các quầy bán hàng thống nhất biển chỉ dẫn, bảng niêm yết các mặt hàng, giá các mặt hàng. Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp thương mại mở rộng thêm mạng lưới bán hàng, hệ thống thanh toán để tạo điều kiện cho khách đến mua hàng được thuận lợi, nhanh chóng, tránh tình trạng quá tải trong khâu thanh toán; đồng thời tổ chức bán hàng, trực Tết trong những ngày trước, trong và sau Tết.
Đáng chú ý, Sở Công thương còn dự kiến trình UBND TP phê duyệt 50 địa điểm bố trí chợ hoa Xuân, chợ nông sản thực phẩm trong đó có 16 điểm nội thành và 34 điểm ngoại thành. Sở Công thương còn phối hợp với UBND các huyện bán hàng chính sách xã hội có trợ cước cho 13 xã miền núi. Tổng công ty thương mại Hà Nội sẽ tổ chức 9 phiên chợ Tết tại một số huyện như Quốc Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Đan Phượng, Thạch Thất, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm và 2 điểm bán hàng tại khu công nghiệp Hanel và Bắc Thăng Long trong thời gian từ ngày 25/1/ - 29/1/2011.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường
Ngoài việc đảm bảo đầy đủ hàng hóa, lương thực, hàng tiêu dùng thiết yếu không để khan hiếm dẫn đến việc tăng giá đột biến trên thị trường, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn được thành phố đặc biệt chú trọng trong dịp Tết. Theo đó, Tổ công các liên ngành thành phố tổ chức đoàn kiểm tra việc tổ chức triển khai công tác bình ổn giá mặt hàng thiết yếu trên địa bàn của các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá như hợp đồng mua bán, lượng hàng hóa trong kho, tại quầy, giá mua bán, chất lượng hàng hóa, việc treo biển, niêm yết giá… Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các nội dung chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh san toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết như: bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa quả, lương thực, thực phẩm; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán hàng lên cao, gây bất ổn thị trường; kiểm tra các tuyến phố chuyên doanh, tuyến phố bán hàng văn hóa phẩm, đồ chơi trẻ em, kiểm tra kiểm soát pháo nổ, trò chơi bạo lực, văn hóa phẩm đồ trụy, các điểm tập kết hàng hóa từ các tỉnh và biên giới về Hà Nội, tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Hơn nữa, từ nay đến ngày 30 Tết, Sở Công thương sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra tập trung vào các đơn vị tham gia bình ổn giá, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các kho chứa hàng… tập trung vào đánh giá chất lượng hành hóa, niêm yết giá, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy.
Như vậy, với sự chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ UBND TP, Sở Công thương và các đơn vị chức năng, cùng với sự chuẩn bị hàng hóa phong phú của các doanh nghiệp, thị trường Tết Tân Mão hứa hẹn sẽ bình ổn, phong phú hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô đón Tết vui tươi, lành mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.