Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ hiệu quả nhờ chế tài mạnh?

Thu Hiền| 26/07/2010 07:24

(HNM) - Từ ngày 1-9, Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ (gọi tắt là NĐ 75) quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong hoạt động văn hóa sẽ có hiệu lực thi hành, thay thế các quy định tại Chương II, Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 6-6-2006.

Quảng cáo rao vặt trái phép tại ngõ 678 Đê La Thành. Ảnh: Đàm Duy


- Quảng cáo rao vặt trái phép lâu nay đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, nhưng Nhà nước chưa có văn bản nào quy định rõ mức xử phạt. Xin ông cho biết, NĐ 75 quy định mức xử phạt về hành vi này như thế nào?
- Đúng là tại các thành phố lớn, nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, quảng cáo rao vặt tự phát đã là căn bệnh trầm kha. Chính quyền, cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân triệt xóa nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Cái chính vẫn là mức xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Lần này, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ VH-TT&DL, tăng cao mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này.

Cụ thể, khoản 5, điều 29 nêu rõ: Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo số điện thoại, địa chỉ của người làm dịch vụ không đúng nơi quy định; viết, vẽ, dán, quảng cáo lên tường, gốc cây, cột điện và các vật thể khác gây mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường. Nếu tái phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng, kèm theo đó là hình thức buộc tháo dỡ phương tiện quảng cáo, xóa các sản phẩm quảng cáo và cắt  thuê bao liên lạc (khoản 6, điều 29). Việc dùng âm thanh để quảng cáo bán báo, bán hàng rong, rao vặt gây ồn ào nơi công cộng cũng bị phạt từ 300.000 đến 1.000.000 đồng (khoản 1, điều 28)…

Thông tư của Bộ hướng dẫn việc thực hiện NĐ 75 sẽ quy định rõ mỗi đơn vị quảng cáo trái phép ở một phường là một hành vi vi phạm và tùy mức độ để giao cho cấp xã, phường hay cấp quận, huyện, thị xã xử lý. Có nghĩa, một đối tượng vi phạm ở nhiều nơi, sẽ bị xử phạt ở ngần ấy chỗ.

- Ngoài vấn nạn quảng cáo rao vặt trái phép thì những “ồn ào” trong tổ chức thi, trao giải ở các cuộc thi sắc đẹp gần đây cũng không dễ giải quyết. Vậy, NĐ 75 có chế tài mới cho vấn đề này không?
- Nếu như NĐ 56 chỉ nêu rất chung chung về xử phạt VPHC trong tổ chức thi hoa hậu thì NĐ 75 dành riêng điều 17 quy định về tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp. Đây là một trong những điểm mới của NĐ, quy định cụ thể các hành vi vi phạm. Theo đó, thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp có hành vi xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng (khoản 1). Phạt từ 10 đến 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức các cuộc thi sắc đẹp không đúng nội dung đã được cấp phép hoặc không có giấy phép (khoản 2, 3). Riêng đối với những thí sinh ra nước ngoài dự thi hoa hậu, hoặc người đưa thí sinh ra nước ngoài dự thi hoa hậu không có phép sẽ bị phạt từ 10 đến 30 triệu đồng (khoản 4). Đó cũng là “bản án” dành cho các tổ chức, cá nhân có hành vi không trao giải thưởng và cấp giấy chứng nhận cho thí sinh đoạt giải ngay trong đêm chung kết các cuộc thi sắc đẹp.

- Còn các tổ chức, cá nhân vi phạm trong kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng  sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
- Về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng, điểm b, khoản 1, điều 18 của NĐ nêu rõ: “Hành vi tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng” thay vì từ 300 nghìn  đến 1 triệu đồng như trước đây. Hành vi bán, cho thuê băng, đĩa, tổ chức trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực hoặc có nội dung độc hại khác bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng (mức phạt cũ là 1,5 đến 3 triệu đồng).

Ngoài ra, sẽ tăng mức phạt từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng lên 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh trò chơi điện tử ở địa điểm cách trường học dưới 200m hoặc quá 22h đêm-8h sáng (quy định cũ chỉ từ 23h đêm-6h sáng)…

- Trước đây, nhiều quy định xử phạt VPHC đã được áp dụng nhưng không mấy hiệu quả, như hút thuốc lá nơi công cộng, đi vệ sinh không đúng nơi quy định… Xin ông cho biết Vụ Pháp chế sẽ làm gì để NĐ tăng tính khả thi?
- Trước mắt chúng tôi sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn và tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa cấp quận, huyện. Tiếp theo, cán bộ cấp quận, huyện sẽ tập huấn cho cán bộ văn hóa cấp cơ sở, đồng thời lồng ghép với chương trình hoạt động của các ngành, đoàn thể khác để “phủ sóng” tinh thần NĐ tới mọi người dân, nhất là ở vùng sâu, xùng xa. Để NĐ đi vào cuộc sống,  ý thức chấp hành pháp luật của mỗi công dân khi tham gia các hoạt động văn hóa là quyết định, vì vậy, công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn thực thi NĐ cần đạt hiệu quả thực sự.

- Trân trọng cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẽ hiệu quả nhờ chế tài mạnh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.