Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

Mai Hữu| 19/04/2022 09:53

(HNMO) - Sáng 19-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo.

Giám sát việc đổi mới sách giáo khoa

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện quy định của pháp luật, trên cơ sở đề xuất của 69/77 cơ quan, ý kiến, kiến nghị của cử tri và tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 để gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Theo đó, năm 2023, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề.

Năm chuyên đề được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn gồm: (1) Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. (2) Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030). (3) Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. (4) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo. (5) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 trong số 5 chuyên đề nêu trên. Với 4 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Đổi mới báo cáo Chương trình giám sát trình Quốc hội

Thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá 5 chuyên đề được đưa ra là phù hợp với thực tế hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lựa chọn những vấn đề theo nguyên tắc các nội dung được Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, kiến nghị. Bên cạnh đó, nêu 2 nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội hằng năm là Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nhiệm kỳ này, trong Chương trình giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội vào kỳ họp đầu tiên hằng năm phải có phần đánh giá thực hiện công tác giám sát thời gian qua.

Cho ý kiến tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua các chương trình giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đều do các cơ quan tự quyết định. “Vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra sao? Nên chăng Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xây dựng chương trình giám sát từ đầu năm để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến”, đồng chí Vương Đình Huệ gợi mở.

Thống nhất cao về việc đổi mới báo cáo trình Quốc hội về Chương trình giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, báo cáo Chương trình giám sát cần thực hiện theo hướng đồng bộ với báo cáo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Về 5 chuyên đề được đưa ra lựa chọn giám sát, đối với chuyên đề 1, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nội dung việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng là lĩnh vực rộng, do đó đề xuất xác định trọng tâm để giám sát.

Ông Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị đổi tên chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển điện lực” sẽ bảo đảm đúng và trúng vấn đề hơn là năng lượng tái tạo. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần mở rộng chuyên đề này theo hướng việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng nói chung, trong đó cả về phát triển nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân...

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thông qua phiếu xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề 1, 2, 3, 4 trình kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022) để Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.