Chiều 9/7, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Công Thương, một vấn đề được quan tâm tại cuộc họp là việc triển khai vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/7.
Tại cuộc họp báo, ông Vũ Văn Cường – Chánh Văn phòng Bộ Công Thương cho biết: Sản xuất công nghiệp của tháng 5 và đặc biệt là tháng 6/2012 tăng trưởng cao hơn những tháng đầu năm nên đã kéo chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu tăng 4,5%, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với con số 9,7% của cùng kỳ năm trước... Các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh như: giảm thuế (giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; miễn thuế môn bài đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối); giảm tiền thuê đất và hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đã bắt đầu có tác dụng. Nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề sản xuất và xuất khẩu đã được đặt ra tại cuộc họp báo...
Vấn đề triển khai vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/7 được đặc biệt quan tâm tại cuộc họp báo. Nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo công bằng, cần có sự cạnh tranh giữa nhiều đơn vị, nhưng trên thực tế hiện nay EVN vẫn hoàn toàn độc quyền về sản xuất và phân phối điện... Trả lời vấn đề này, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết: Trên thực tế, việc hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh có sự giám sát chặt chẽ của Bộ Công Thương để đảm bảo tối đa sự công bằng. Qua giám sát gần 1 năm thí điểm vận hành thị trường điện cạnh tranh, do khó khăn về nguồn vốn nên hầu hết các nhà máy điện chào giá cao hơn giá đã ký kết trong hợp đồng. Trong 10 tháng qua, chỉ có duy nhất tháng 12/2011 và tháng 1/2012, giá chào trên thị trường thấp hơn giá đã ký kết theo hợp đồng. Theo ông Cường, vận hành thị trường điện theo quy luật cung cầu nên giá sẽ có lúc tăng, lúc giảm phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết: Theo lộ trình, năm 2022 sẽ có thị trường điện bán lẻ, tuy nhiên cần có những bước đi thận trọng, nếu có điều kiện sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ để vừa có thị trường cạnh tranh vừa đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu kinh tế quốc dân. Hiện tại, trên thế giới, nhiều nước tiên tiến cũng chỉ dừng ở thị trường bán buôn bởi bán lẻ cần có đủ điều kiện về hạ tầng, công nghệ thông tin… Việc điều chỉnh giá điện của EVN là hoàn toàn đúng theo quy định và được kiểm tra giám sát của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá điện được tiến hành dần dần theo cơ chế thị trường, 3 tháng điều chỉnh một lần dù lên hay xuống theo điều kiện cho phép của thị trường. Tới đây, Bộ Công Thương cùng EVN sẽ làm việc và phối hợp chặt chẽ để có sự điều chỉnh linh hoạt, chứ không nhất thiết cứ 3 tháng mới điều chỉnh giá điện./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.