(HNM) - Theo Tổng cục Hải quan (TCHQ), năm 2011, tổng số nợ thuế do ngành quản lý lên tới 4.884 tỷ đồng. Mặc dù tỷ trọng nợ so với tổng số thu đã giảm hằng năm, song số nợ thuế khó thu hồi vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Bên cạnh những bất cập về chính sách cần sớm sửa đổi cho phù hợp với thực tế, việc siết chặt hoạt động quản lý, nâng cao ý thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức hải quan là nhiệm vụ quan trọng mà ngành hải quan phải thực hiện nhằm giảm tình trạng thất thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Khách hàng nộp thuế tại Chi cục Hải quan Gia Thụy (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: Huyền Linh |
Để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu (XNK) và đầu tư, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi. Lợi dụng những ưu đãi này, nhiều DN đã có hành vi gian lận về thuế, gây thất thu NSNN. Tại hội nghị chống thất thu NSNN do TCHQ tổ chức mới đây ở Hà Nội, nhiều đơn vị trực thuộc ngành hải quan đã chỉ rõ những thủ đoạn gian lận thuế, cũng như những vướng mắc trong thu hồi những khoản nợ thuế. Đại diện Phòng Thuế XNK, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, lợi dụng quy định tại Luật DN cho phép các văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài được kinh doanh tại thị trường Việt Nam và trực tiếp nhập khẩu (NK) hàng hóa, nhiều DN đã giảm giá hàng NK, từ đó giảm số thuế phải nộp, gây áp lực cạnh tranh cho các DN trong nước. Qua điều tra đã xác định, một số công ty đã lợi dụng chính sách này để giảm giá 10-40% đối với mỹ phẩm NK, khiến số thuế phải nộp giảm mạnh. Sau khi tham vấn, đối chiếu giá tính thuế đối với những mặt hàng NK cùng loại, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã không chấp nhận việc kê khai giảm giá của DN và ra quyết định truy thu thuế gần 7 tỷ đồng của gần 40 tờ khai hàng hóa NK.
Nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng khiến công tác chống thất thu NSNN trong ngành hải quan gặp nhiều khó khăn. Theo Cục Thuế XNK (TCHQ), một trong những hạn chế hiện nay là chưa có quy định về xác định trước trị giá tính thuế, xác định trị giá với các trường hợp chuyển giá. Một số quy định mang tính kỹ thuật, như phí bản quyền, phí giấy phép, trị giá phần mềm, khoản giảm giá... còn chung chung, chưa được hướng dẫn rõ, gây khó khăn cho công chức hải quan. Trong khi đó, hệ thống cơ sở dữ liệu về giá tính thuế của ngành còn nghèo nàn, độ tin cậy thấp khiến việc đấu tranh, xác định mức thuế gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, việc chỉ sử dụng nguồn thông tin do DN khai báo như hiện nay để kiểm tra trị giá và xác định trị giá tính thuế vô hình trung đã "hợp thức hóa" cho hoạt động gian lận thương mại. Công tác kiểm tra, tham vấn giá (so sánh giá hàng NK với những mặt hàng cùng loại), xác định trị giá hiện nay cũng chưa hiệu quả, bỏ lọt nhiều trường hợp trị giá khai báo thấp hơn mặt hàng tương tự có trên hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành… Những hạn chế này đã khiến tỷ lệ bác bỏ giá khai báo sau tham vấn chỉ đạt 50% so với tổng số lô hàng thực hiện tham vấn. Tình trạng bỏ sót các khoản phải cộng khi xác định trị giá như phí bản quyền, phí giấy phép, phí bảo hiểm... còn nhiều. Gian lận qua giá vẫn tiếp diễn và ngày càng tinh vi hơn.
TCHQ cho biết, 10 năm qua, số thu NSNN do ngành quản lý đã tăng từ 37.221 tỷ đồng năm 2002 lên 216.874 tỷ đồng vào năm 2011, tốc độ tăng bình quân 15-17%/năm. Tỷ lệ nợ thuế XNK so với số thu cũng được cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2002, tổng thu ngân sách đối với hàng hóa XNK là 37.221 tỷ đồng, số nợ thuế là 4.709 tỷ đồng (tỷ trọng nợ so với tổng số thu là 12,65%); đến năm 2011 những con số trên lần lượt tương ứng là 216.874 tỷ đồng, 4.884 tỷ đồng (2,25%). Mặc dù số nợ thuế năm sau so với năm trước đã giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ, nhưng số nợ khó thu hồi chiếm tỷ trọng cao. Trước thực trạng này, TCHQ đã đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm chống thất thu NSNN. Bên cạnh việc phân tích, phân loại các loại hình XNK cần quản lý, ngành hải quan sẽ cá thể hóa trách nhiệm để nâng cao ý thức của cán bộ, công chức hải quan. Chế độ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành cũng sẽ được triển khai đồng thời với hoạt động củng cố hệ thống giám sát quản lý đúng với chức năng. Đồng quan điểm này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, để chống thất thu NSNN trong lĩnh vực hải quan, cần quản lý chặt sự tuân thủ, nhằm phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật đối với DN cũng như công chức hải quan để tạo môi trường bình đẳng và khuyến khích DN phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.