Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ công khai các dự án chậm thực hiện để dân giám sát

H.Vân| 14/07/2011 13:15

(HNMO) – Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV đã diễn ra sáng 14/7. Tuy chưa sôi nổi như nhiều phiên họp của nhiệm kỳ cũ nhưng những vấn đề được đưa ra đều là những vấn đề “nóng” nhất của thành phố hiện nay...


Trước 30/9 sẽ hoàn thành thu hồi 6 dự án

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh trả lời các vấn đề quanh việc quản lý đất đai.

Báo cáo về kết quả 2 đợt thanh tra, rà soát các dự án đã được giao đất nhưng chậm thực hiện, Phó chủ tịch cho biết một số nét nổi bật: Có 30 dự án chậm 24 tháng triển khai, Thành phố đã kiểm tra, đôn đốc và tiếp tục cho gia hạn, đồng thời nhắc nhở, phê bình chủ đầu tư; Khoảng 20 dự án đã được quyết định thu hồi. Trong số này, có 6 dự án sẽ hoàn thành thu hồi trước 30/9 và 7 dự án sẽ xong trong năm nay. Thành phố cũng đang cho thanh tra sâu với 37 dự án có vi phạm.

Để thực hiện tốt hơn việc quản lý các dự án trong thời gian tới, Phó Chủ tịch cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục quán triệt sâu, kỹ và nhiều lần để các đơn vị, chủ đầu tư hiểu được trách nhiệm của mình khi được giao đất và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, sâu sát trong việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện dự án, chỉ đạo các đơn vị cùng tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Những dự án nào vi phạm, Thành phố sẽ kiên quyết xử lý và thu hồi.

Chất vấn Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh, các đại biểu Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Xuân Diên, Nguyễn Hoài Nam… đã chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Thành phố trong quá trình thực hiện thu hồi các dự án. Các đại biểu đề nghị, Thành phố nên công khai các dự án chậm tiến độ, bị thu hồi để dân giám sát và cũng để tăng cường hơn nữa trách nhiệm thực hiện của các chủ đầu tư. Tuy nhiên, các đại biểu còn khá băn khoăn về cách xử lý của Thành phố cũng như trình độ, trách nhiệm của các cán bộ thực hiện.

Giải đáp các thắc mắc này, Phó Chủ tịch cho biết, theo quy định của luật, UBND Thành phố có trác nhiệm theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện dự án. Nếu việc chậm tiến độ chưa đến mức vi phạm pháp luật, cần phải thu hồi thì cần tiến hành các biện pháp từ thấp đến cao, nếu phê bình mà không chuyển biến thì xử lý.

“Thái độ của Uỷ ban là làm đúng luật, trách nhiệm của chúng tôi, những người được cử tri bầu ra là phải làm đúng luật”, Phó Chủ tịch nói.

Phó Chủ tịch cũng tán thành việc công khai danh sách các dự án vi phạm. Hiện Thành phố đã có đầy đủ danh sách các dự án bị thu hồi và sẽ công khai cho toàn dân biết.

Phó chủ tịch cũng nhấn mạnh, Hà Nội có hơn 1000 dự án với hơn 10.000 ha được đưa vào dự án, nhưng trong số này, có những dự án mới chuẩn bị đầu tư, mới được phê duyệt… còn giai đoạn cuối cùng được ra quyết định giao đất thì không nhiều.

Về trách nhiệm, trình độ chuyên môn của cán bộ thực thi việc xét duyệt và giám sát dự án, Phó Chủ tịch cho biết, đội ngũ này luôn phải nâng cao trình độ, trách nhiệm và rất cần được nhân dân giám sát. Mỗi dự án đều được thẩm định, phê duyệt theo đúng quy trình pháp luật. Những dự án khi đã có kết luận thu hồi hoặc cho tiếp tục thực hiện thì những người có trách nhiệm liên quan đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Nếu ai phát hiện có cán bộ vi pham, chúng tôi sẽ cho thanh tra công vụ ngay… Chỗ nào làm sai thì phải xử lý, kể cả cán bộ”, Phó Chủ tịch khẳng định.

Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh, các dự án nếu cố tình vi phạm, Thành phố sẽ kiên quyết thu hồi, không phân biệt đó là doanh nghiệp của ai.

85% trẻ em đến lớp được học trong các trường mầm non công lập


Giải trình về tình trạng thiếu trường mầm non ở 1 số khu vực, nhất là các khu đô thị mới, đông dân cư, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Thành phố hiện có 837 trường mầm non, phân bố tương đối đều trên địa bàn, trong đó 81% là trường công lập. Hà Nội có 370.000 trẻ đến trường, trong số này, 85% trẻ được học ở các trường công lập. So với năm ngoái, trẻ học công lập tăng 16%.

Về việc quá tải trường mầm non tại 1 số quận nội thành, Phó Chủ tịch cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do bố trí chưa đủ trường theo yêu cầu, dân cư cơ học tăng quá nhanh nên trường không đáp ứng đủ. Ngoài ra, do học phí ở các trường công thấp, trong khi chất lượng nuôi dạy lại chuẩn mực hơn nên nhu cầu người dân gửi con vào trường công lập cũng nhiều hơn.

Để khắc phục tình trạng trên, Thành phố đã chỉ đạo việc quy hoạch và xây dựng các trường, tiến hành phân tuyến hợp lý học sinh mầm non, chuyển đổi các trường mầm non nông thôn sang mầm non công lập… Đồng thời, tuyên truyền để học sinh học đúng tuyến, tiếp tục nâng cấp đội ngũ cán bộ, giáo viên; xóa khoảng cách giữa trường công lập và ngoài công lập; khi quy hoạch các khu đô thị sẽ xác định rõ số lượng các trường công lập và ngoài công lập, trong đó trường công lập sẽ được giao đất về cho quận huyện quản lý và triển khai...


Cho con học mầm non công lập là ước muốn của đa số phụ huynh


Với 6 phường khu vực nội thành chưa có trường mầm non công lập, Phó Chủ tịch cho biết, hiện 4 trường ở 4 phường đã hoàn thành đưa vào sử dụng là Láng Thượng, Phương Mai, Trung Liệt, Thanh Nhàn; 2 trường ở 2 phường đang trong quá trình thực hiện dự án là Lê Đại Hành, Ngã Tư Sở.

Với 21 khu đô thị đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 12 khu đã có trường, đang xây tiếp trường ở 9 khu.

“Đến thời điểm này, 100% học sinh mầm non có nhu cầu đều được đi học. Cơ bản không còn cảnh xếp hàng chờ xin học cho con”, Phó Chủ tịch nói.

Trả lời các chất vấn của các đại biểu Bùi Đức Hiếu, Nguyễn Thị Thùy, Nguyễn Mai Sương… về mức thu học phí giữa trường mầm non công lập và dân lập chênh lệch nhau quá nhiều, việc giải quyết tình trạng sỹ số quá đông ở các lớp học thuộc trường công lập, Phó Chủ tịch cho biết, việc thu học phí ở các trường công lập do UBND TP quy định, còn ở các trường dân lập và tư thục thì tự chịu trách nhiệm thu chi nên có quyền thỏa thuận học phí với phụ huynh. Tuy nhiên, Thành phố sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định này theo luật.

Phó chủ tịch cũng cho biết, thực tế, các cấp học ở Hà Nội đang thu học phí ở khung thấp nhất và ngân sách Thành phố phải chi bù phần chênh lệch bù đắp cho học sinh. Xét tình hình kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn nên Thành phố chưa trình phương án nâng học phí.

Phó Chủ tịch cũng thừa nhận, có một số trường có hiện tượng quá tải ở một số lớp, cấp học, với số lượng trẻ lên đến hơn 60 trẻ/lớp. Để khắc phục, Thành phố đang cho thực hiện thí điểm việc nâng tầng để có đủ diện tích học. Theo đó, toàn bộ trẻ sẽ sinh hoạt ở tầng 1, còn các nhà chuyên môn, giáo viên sẽ chuyển lên tầng 2. Tuy nhiên, việc này phải làm theo từng dự án.

Làm rõ thêm thông tin Phó Chủ tịch đưa ra về việc 4 trường mầm non tại 4 phường chưa có trường mầm non của Quận Đống Đa đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đại biểu Lê Tiến Nhật, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, thực tế trường tại 4 phường của quận chưa hoàn toàn xong. Với quận Đống Đa, quỹ đất xây trường rất khó, nếu muốn làm phải có Thành phố giúp. Trong số 4 phường chưa có trường mầm non, chỉ có phường Láng Thượng còn quỹ đất. Các phường khác, Quận đang phải giải quyết bằng cách mở rộng diện tích trường mầm non hiện có hoặc phân tuyến, chờ thu hồi đất của các cơ quan, xí nghiệp mới có quỹ đất để xây trường mới.

Cùng trao đổi về việc đáp ứng nhu cầu của nhân dân về trường mầm non, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh, luật giáo dục quy định mỗi phường có tối thiểu là 1 trường mầm non, do đó không phải cứ có 1 trường là các địa phương xong trách nhiệm. “Phải tính dân số và dự báo dân số gia tăng”, Chủ tịch yêu cầu.

Sẽ rà soát hạ tầng của toàn bộ 50 dự án đang triển khai

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi

Đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu về việc hạ tầng xã hội tại các khu đô thị mới chậm đồng bộ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết, Thành phố vừa tiến hành kiểm tra đợt 1 ở 7 khu đô thị và đã có các giải pháp để nhà đầu tư đẩy nhanh thủ tục, tiến độ thực hiện. Tại 10 khu đô thị đã đưa vào hoạt động, các khu hạ tầng xã hội đã được đưa vào sử dụng nhưng việc kiểm tra còn chưa thường xuyên và các chủ đầu tư cũng chậm thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư thường tập trung cho các công trình thu hồi vốn nhanh nên các công trình hạ tầng không được quan tâm đúng mức; Việc quản lý khu đô thị còn chưa thường xuyên và hoàn chỉnh; Công tác xã hội hóa triển khai chậm, nhất là với các công trình hạ tầng xã hội; Thành phố chậm ban hành quy định và thiếu các chế tài xử lý...

Trước thực tế này, trong tháng 8, Thành phố sẽ bắt đầu rà soát toàn bộ 50 dự án hiện đang triển khai, đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai dự án đồng bộ với hạ tầng xã hội, trước mắt trong năm 2012 xong tại 10 khu. Thành phố cũng sẽ ban hành quy định mới phù hợp thực tiễn để quản lý, đầu tư xây dựng các dự án cho đồng bộ; đẩy mạnh việc quy hoạch và duyệt quy hoạch thống nhất, đặc biệt là với 92 dự án chưa triển khai; có hậu kiểm sau cấp phép để sớm xử lý, đảm bảo chất lượng các khu đô thị.

Chất vấn Phó Chủ tịch về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tấn Thịnh đề nghị làm rõ thêm quan điểm và hướng khắc phục của Thành phố trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng xã hội tại các khu dân cư.

Phó Chủ tịch cho biết, trong tháng 8, Thành phô sẽ chủ trì rà soát đợt 1 với 12 dự án đã và đang xây dựng, đợt 2 với 50 dự án đã triển khai và kể cả 92 dự án chưa triển khai cũng sẽ được rà soát cho đồng bộ ngay từ đầu. Phó Chủ tịch khẳng định, trách nhiệm của chủ đầu tư là phải thực hiện đồng bộ dự án, Thành phố kiên quyết chuyển giao những phần hạ tầng không đồng bộ để chủ đầu tư thực hiện tiếp.

Về hầm đường bộ, cầu vượt cho người đi bộ chưa phát huy hiệu quả, Phó Chủ tịch cho biết, hiện Thành phố có 18 cầu đi bộ và 25 hầm bộ hành.

Với cầu đi bộ, có 6 cầu do Sở GTCC Thành phố tự đầu tư, tiếp nhận 12 cầu. Tháng 7 này, sẽ hoàn thành xong việc bàn giao. Với những cầu đã khai thác, Sở đều có duy tu thường xuyên, hàng ngày có bố trí công nhân trực vệ sinh.

Với hầm đường bộ, hiện có 11 hầm thuộc Sở quản lý và tại các hầm này đều có duy tu, quản lý thường xuyên và có công nhân trực bảo vệ, hướng dẫn. Có 5 hầm đã bàn giao nhưng chưa khai thác do các công trình 2 bên đường đang trong giai đoạn hoàn thiện nên nhu cầu của dân còn hạn chế. Có 9 hầm chưa hoàn thiện hạng mục nên chưa chính thức bàn giao.

Phó Chủ tịch khẳng định, việc xây và khai thác các cầu, hầm đường bộ đã đáp ứng nhu cầu dân, ngày càng có nhiều người sử dụng, góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Giai đoạn đầu, cầu và hầm còn ít người qua lại chủ yếu do ý thức chấp hành giao thông của người bộ hành còn hạn chế; công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng cầu, hầm còn ít; chưa xử lý nghiêm những người bộ hành vi phạm… Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng định mức duy tu, duy trì các hầm, cầu bộ hành, phối hợp các đơn vị tăng cường xử lý người sang đường sai quy định.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Nam về việc liệu sự xác định vị trí đặt cầu, hầm đường bộ đã chuẩn xác chưa, Phó Chủ tịch khẳng định, mỗi vị trí đều có khảo sát, điều tra. Tuy nhiên, từ quy hoạch đến thiết kế, chuyển từ bản vẽ ra hiện trường cũng cần phải được thực hiện tốt hơn để đảm bảo ít ảnh hưởng nhất đến dân cư xung quanh. Với 9 hầm sở đã đề nghị bộ bàn giao sớm.

Không bàng quan với chất lượng các công trình kỷ niệm 1000 năm

Trả lời về sự xuống cấp của một số các công trình kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vừa mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng đề cập cụ thể đến chất lượng 2 công trình lớn đang gây bức xúc dư luận là Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình.


Bảo tàng Hà Nội


Về Bảo tàng Hà Nội, Giám đốc Sở thừa nhận một số sự cố đã xảy ra như: tràn nước vào thang máy do một bộ phận ống dẫn nước bị hở, đọng sương trên trần do chế độ điều hành dàn lạnh, mưa dột ở không gian chính do khi đó do đang kiểm tra mái nên chưa đóng cửa thoát gió, gây dột; đường lên xuống ở bảo tàng có điểm bị vỡ, bong, rộp… Giám đốc Sở khẳng định, tất cả những sự cố này đều đã được khắc phục.

Cùng với đó, những sự cố tại Công viên Hòa Bình như đá lát sân bong, rộp, chân bệ, biển tên, tường rào lún nứt, đọng nước tại 1 số vị trí cục bộ… đều đã và đang được khắc phục.

Những sự cố trên xảy ra theo Giám đốc Sở là do tiến độ thực hiện các công trình quá gấp rút nên không tránh khỏi sai sót. Cả hai công trình trên đều đang trong giai đoạn bảo hành sau bàn giao nên trách nhiệm sửa chữa, khắc phục sẽ thuộc về chủ đầu tư, nhà thầu. Sở sẽ có sự giám sát và đôn đốc thực hiện để sớm hoàn thành trong tháng tới.

Tuy nhiên, đại biểu Hồ Quang Lợi cho rằng, đổ lỗi việc một số công trình không đạt được chất lượng như mong đợi do ép tiến độ là không thuyết phục. “Chúng ta không thể hỏng thì sửa. Cần quy trách nhiệm lớn hơn bởi những thiệt hại ở đây không thể chỉ tính bằng tiền”, đại biểu Lợi nói.

Cùng quan điểm với đại biểu Lợi, đại biểu Đỗ Hoài Nam cũng nhất trí, nhiều hạng mục trong các công trình kỷ niệm vẫn còn đang thực hiện rất ngổn ngang, gây bức xúc cho nhân dân.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở khẳng định, Thành phố nhận thức rất rõ mong muốn của nhân dân về chất lượng các công trình.

“Đây là những công trình thực hiện cho mai sau. Không ai bàng quan về chất lượng cả. Những sai sót vừa qua là cục bộ, không có tính chất hệ thống”, Giám đốc Sở nói.

Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng, các sự cố đều đã được khắc phục và không vì thế mà ảnh hưởng đến cấp độ công trình.

“Từng đơn vị, cá nhân chúng tôi đều nắm rất rõ trách nhiệm. Vi phạm đến đâu, xử lý đến đó”, Giám đốc Nguyễn Thế Hùng nói.

Về việc cải tạo Công viên Thống nhất, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, khâu cải tạo đã đáp ứng được yêu cầu và chất lượng nhưng khâu quản lý và khai thác chưa chặt chẽ nên để xảy ra tình trạng vật liệu, phế thải để bừa bãi… Sở sẽ làm việc với đơn vị quản lý công viên để khắc phục.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẽ công khai các dự án chậm thực hiện để dân giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.