(HNM) - Nếu như cách đây khoảng chục năm, sách tham khảo chỉ được xuất bản theo kiểu "nhỏ giọt", chủ yếu đáp ứng nhu cầu của học sinh cuối cấp nhằm ôn luyện, nâng cao kiến thức hay hỗ trợ, bồi dưỡng học sinh giỏi thì hiện nay, sách tham khảo có đủ ở tất cả các bậc, cấp học, từ tiểu học đến sau đại học.
Ngay cả đối với học sinh lớp 1 cũng có hàng loạt các đầu sách tham khảo. Theo số liệu điều tra của Công ty Phát hành sách Hà Nội năm 2008, học sinh phổ thông có tới 3.120 cuốn sách tham khảo. Điều đáng nói là chất lượng sách. Sách tham khảo lẽ ra phải là những cuốn sách có tính chất nghiên cứu, tra cứu hay phản biện khoa học thế nhưng hiện nay, sách tham khảo chỉ là sách ăn theo sách giáo khoa. Hiện tượng các loại sách tham khảo có nội dung na ná giống nhau thậm chí giống nhau đến 80% cũng không hiếm. Đó là chưa kể không ít cuốn viết sai ngay cả những kiến thức cơ bản.
Hiện cả nước có 57 NXB, thì có tới 35 có chức năng xuất bản sách tham khảo. Vấn đề quản lý nội dung sách tham khảo cũng tréo ngoe. Sách tham khảo thuộc lĩnh vực giáo dục, song Bộ Giáo dục - Đào tạo lại không có chức năng quản lý nội dung. Cục Xuất bản là đơn vị quản lý trong lĩnh vực xuất bản nhưng không chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản mà theo quy định hiện hành, người đứng đầu các NXB chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản phẩm của mình. Việc phát hiện, xử lý những vi phạm về chất lượng của các ấn phẩm cũng còn gặp khó khăn bởi có quá nhiều đầu sách. Trong khi đó, các chế tài xử lý lại chưa đủ sức răn đe, chủ yếu mới dừng lại ở phạt hành chính.
Hiện nay, có một hiện tượng là người người viết sách, nhà nhà viết sách. Nào là giáo sư viết sách, giảng viên viết sách. Người đương chức viết sách, người về hưu rỗi rãi không có việc gì làm cũng viết sách. Theo Luật Xuất bản thì tác giả có quyền ký hợp đồng và in sách. Thế nên mới có chuyện nhiều cuốn sách, người viết bỏ tiền ra in chỉ với mục đích duy nhất là có tên tác giả để bày ngoài sạp cho oai.
Sách tham khảo phong phú sẽ giúp cho học sinh có nhiều sự lựa chọn nhưng khi sách quá nhiều mà chất lượng tồi thì lại rất tai hại bởi lẽ nó không chỉ gây lãng phí tiền bạc của xã hội mà còn làm méo mó phương pháp học tập và ảnh hưởng xấu đến việc thu thập kiến thức của học sinh. Thực tế, tình trạng này kéo dài đã lâu và nhiều thế hệ học sinh sẽ còn tiếp tục gánh chịu hậu quả trên nếu không sớm tìm ra một cơ chế hợp lý để kiểm soát hiệu quả chất lượng sách tham khảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.