Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ còn tăng?

Việt Nhân| 09/05/2010 06:29

(HNM) - Theo thống kê của Cục An toàn lao động (ATLĐ), năm 2009, cả nước xảy ra 6.250 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tăng 7,09% so với năm 2008, làm 6.421 người bị nạn, trong đó có 550 người chết, 1.221 người bị thương nặng.

Theo các chuyên gia, hơn 30% vụ tai nạn là do người lao động không chấp hành các quy định về ATLĐ, 60% số vụ có nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động không thực hiện các quy định về trang thiết bị bảo hộ; không kiểm định các thiết bị lao động và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn tới gia tăng TNLĐ là công tác quản lý nhà nước về ATLĐ còn nhiều bất cập. Số cuộc thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp còn ít, hiệu quả không cao. Thực tế, lực lượng thanh tra chuyên trách về ATLĐ trên toàn quốc chỉ chưa đến 500 người. Chất lượng thanh tra viên về an toàn vệ sinh lao động cũng chưa tương xứng với tốc độ phát triển của các loại hình doanh nghiệp và quy mô sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều lao động xuất phát từ các vùng nông thôn đi làm thuê không được đào tạo cơ bản qua trường lớp, khi vào làm việc lại chỉ được hướng dẫn về các thao tác trong công việc, nên không hiểu biết về luật ATLĐ, không biết tới các mối nguy hiểm luôn rình rập để có các biện pháp phòng tránh.

Điều đáng nói là số vụ TNLĐ không ngừng gia tăng nhưng số doanh nghiệp bị phạt lại rất ít và mức phạt quá thấp. Cụ thể, mức phạt tối đa chỉ là 20 triệu đồng cho một hành vi vi phạm. Trong số 181 vụ TNLĐ chết người được điều tra năm 2008 thì chỉ có 2 vụ được đưa ra xử lý hình sự. Gần đây nhất, từ tháng 7-2009 tới tháng 2-2010, tại công trình "tòa nhà cao nhất Việt Nam" Keangnam liên tiếp xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng làm 6 người chết và 3 người bị thương nhưng 15 nhà thầu của tòa nhà này chỉ bị xử phạt 235 triệu đồng. Nộp phạt xong là sai phạm coi như được bỏ qua!

Chương trình Mục tiêu quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2006. Trong thời gian qua, rất nhiều mục tiêu cụ thể đã được đặt ra như: Giảm số vụ TNLĐ nghiêm trọng, chết người (bình quân giảm 5% tần suất TNLĐ trong các ngành, nghề có nguy cơ cao như khai khoáng, xây dựng, điện); 100% số vụ TNLĐ chết người và TNLĐ nặng được điều tra, xử lý… Thế nhưng, với chế tài xử phạt quá thấp như trên, các mục tiêu của chương trình hầu hết không đạt được. Cứ đà này, số vụ TNLĐ sẽ vẫn còn tăng. Lẽ nào con số 18 người lao động bị nạn trong đó xấp xỉ 2 người chết mỗi ngày không đáng để chúng ta suy nghĩ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ còn tăng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.