(HNMO) - Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án "Không gian nghệ thuật Thành cổ" tại khu di tích Hậu Lâu, di tích thành phần thuộc Khu di tích Thành cổ Hà Nội. Theo dự án này, sẽ có một Lễ hội hoa, trưng bày tranh thêu tay được thực hiện trong khuôn viên Thành cổ Hà Nội. Một bức tranh thêu khổng lồ "Ước nguyện ngàn năm Thăng Long" được thực hiện trong 4 năm, món quà mà các nghệ nhân thêu Việt Nam tặng TP Hà Nội nhân Đại lễ 1000 năm, sẽ được rước từ Đà Lạt ra Hà Nội và trưng bày tại Thành cổ.
(HNMO) - Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án "Không gian nghệ thuật Thành cổ" tại khu di tích Hậu Lâu, di tích thành phần thuộc Khu di tích Thành cổ Hà Nội. Theo dự án này, sẽ có một Lễ hội hoa, trưng bày tranh thêu tay được thực hiện trong khuôn viên Thành cổ Hà Nội. Một bức tranh thêu khổng lồ "Ước nguyện ngàn năm Thăng Long" được thực hiện trong 4 năm, món quà mà các nghệ nhân thêu Việt Nam tặng TP Hà Nội nhân Đại lễ 1000 năm, sẽ được rước từ Đà Lạt ra Hà Nội và trưng bày tại Thành cổ.
* Không gian đậm chất thơ của trà - hoa - tranh thêu
Trong buổi họp báo chiều ngày 28/4 với sự góp mặt của đại diện Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, đại diện Công ty XQ Việt Nam, dự án "Không gian nghệ thuật Thành cổ" đã được công bố chính thức với báo giới. Từ ngày 22/4, Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đã tiến hành bàn giao một phần khuôn viên trước di tích Hậu Lâu để Công ty XQ Việt Nam bắt tay thực hiện dự án. Không gian nghệ thuật để công ty này thực hiện ý tưởng thiết kế một Lễ hội hoa, bàn trà và trưng bày tranh thêu có diện tích khoảng 10.000m2, với tổng mức đầu tư là 20 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Lễ hội hoa tại Thành cổ Hà Nội sẽ quy tụ nhiều loại hoa và cỏ cả một vườn hoa lan
Dự án "Không gian nghệ thuật Thành cổ" được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 1/5 đến hết tháng 7, là thời gian mà công ty XQ thiết kế không gian cho Lễ hội hoa. Ông Võ Văn Quân, người sáng lập Công ty XQ Việt Nam cho biết: từ giờ cho đến ngày khai mạc Lễ hội hoa (tháng 7), Công ty sẽ thiết kế vườn hoa, sau đó vận chuyển hoa (chủ yếu là hoa lan với nhiều chủng loại) từ Đà Lạt về Hà Nội để chăm sóc. Các loại hoa sẽ được chọn lựa kỹ, lại phải tính toán thời gian và cách thức chăm sóc sao cho hoa nở đúng khoảng thời gian khai mạc lễ hội. Khu vực trong nhà sẽ là nơi trưng bày 12 tác phẩm tranh thêu tay độc đáo nhất Việt Nam, những bức thêu đã được ghi vào kỷ lục Guiness. Giữa không gian của muôn loài hoa là một sân khấu nhỏ được dựng lên để các nghệ sỹ chơi nhạc cụ dân tộc. Lễ hội của hoa, của âm nhạc, của nghệ thuật tranh thêu tay, vì thế sẽ rất lãng mạn.
Những người thực hiện Lễ hội hoa tại Thành Cổ hy vọng rằng đây không chỉ là một không gian - lễ hội hoa thông thường, mà còn là một không gian nghệ thuật đúng nghĩa. Ở đó, ngoài những vườn hoa tươi được bài trí theo các chủ đề hướng về cội nguồn, hướng về Thăng Long - Hà Nội, nhà tổ chức còn sắp đặt những bàn trà nhỏ để khách đến chơi vừa nhâm nhi chén trà vừacùng nhau trò chuyện, lắng nghe những ca khúc đậm chất dân tộc, ngắm hoa và thưởng thức những tác phẩm tranh thêu tay đặc sắc của nghệ nhân Việt Nam.
"Chúng tôi không bán vé vào cửa bởi những người thực hiện luôn mong muốn không gian nghệ thuật đậm chất thơ này sẽ giúp cho người thưởng thức thêm yêu, thêm quý giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc", ông Võ Văn Quân khẳng định.
* Ra mắt bức tranh thêu kỷ lục mừng Thủ đô nghìn năm tuổi
Giai đoạn thứ 2 của dự án "Không gian nghệ thuật Thành cổ" diễn ra từ ngày 1 đến hết tháng 10 sẽ giới thiệu với công chúng Thủ đô một lễ hội khác, có tên gọi "Các nghệ nhân thêu phương Nam dâng tặng Đại lễ tác phẩm "Ước nguyện ngàn năm Thăng Long". Đây là tác phẩm tranh thêu tay khổng lồ, do 9 nghệ nhân thêu XQ thực hiện ròng rã suốt 4 năm trời (từ năm 2006) nhằm tặng cho TP Hà Nội nhân dịp cả nước mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Một phần của bức tranh "Ước nguyện ngàn năm Thăng Long"
Bức tranh thêu có chiều dài 4m, rộng 3m, khi hoàn tất có trọng lượng 167,5kg, trong đó chỉ tính riêng số chỉ thêu được sử dụng đã nặng tới 12kg. Theo tính toán, những chỉ số về kích thước và trọng lượng này khi kết hợp lại trong một phép nhân sẽ cho kết quả 2010 (4 x 3 x 167,5 = 2010), con số trùng với năm Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn tuổi. Để phác thảo bức tranh thêu, Công ty XQ đã cử 6 họa sĩ đến Hà Nội vào đầu năm 2006. Trong bốn tháng liền, họ đã đến nhiều nơi ở Thủ đô nhằm tạo cảm hứng để hoàn thành phác thảo bức tranh thêu kỷ lục.
* Bảo tồn nguyên vẹn di sản khi tổ chức lễ hội
Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào bảo đảm tính nguyên vẹn của một trong số di tích quan trọng nhất của Hà Nội trong quá trình diễn ra lễ hội, Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội khẳng định : sẽ không có bất cứ hoạt động nào có thể làm biến dạng di tích. Chúng tôi bảo đảm sẽ không có sự can thiệp thô bạo nào khiến không gian di tích bị phá vỡ. Trong quá trình sắp xếp không gian, lắp đặt trang thiết bị để thực hiện Lễ hội hoa, Công ty XQ sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Ban quản lý di tích. Những vật liệu dùng để lắp ghép, tạo không gian nghệ thuật phù hợp với lễ hội được làm bằng vật liệu dễ tháo dỡ, tiện cho việc di chuyển, ví dụ như gỗ hoặc vật liệu giả gỗ.
Về vấn đề an ninh, bảo vệ trước lượng người xem - chắc chắn là rất đông, ông Sơn cũng cho biết: khu vực Thành cổ Hà Nội có nhiều lối vào nên người dân có thể nhanh chóng ra - vào mà không sợ ùn tắc. Hơn nữa, Lễ hội hoa diễn ra trong thời gian dài, không giống như một số lễ hội văn hóa cộng đồng được tổ chức trước đây - thường chỉ tổ chức trong vài ba ngày - nên lượng người đến xem có thể sẽ được rải ra, tránh được sự thái quá.
"Không gian nghệ thuật Thành cổ" đang được các nghệ nhân thực hiện. Khi hoàn tất, không gian ấy sẽ là một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, góp phần giới thiệu rộng rãi những giá trị của Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (bao gồm cả Khu di tích Thành cổ Hà Nội) đang được đệ trình UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa thế giới), góp phần quảng bá văn hóa dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.