(HNM) - Ngày 15-5, ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ lập tức thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Đức.
Đây là chuyến thăm được dư luận đặc biệt quan tâm vì kết quả cuộc gặp giữa ông chủ mới của Điện Élysée và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới số phận Hiệp ước Ngân sách của Liên minh Châu Âu (EU) và tương lai quan hệ Pháp - Đức.
Tổng thống Pháp F.Hollande và Thủ tướng Đức A.Merkel sẽ có cuộc gặp đầu tiên vào tối 15-5. |
Theo kế hoạch, "Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" năm 2011 sẽ mời "Ngài bình thường" dùng bữa tối thân mật trước cuộc gặp thượng đỉnh chính thức vào ngày 16-5 tại Berlin. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo hai nước trụ cột của EU khó có thể "ngon miệng" với "thực đơn" gồm những món "khó tiêu" như cuộc khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp, các vấn đề của hiệp ước Tự do đi lại Schengen, trong đó vai trò và hành động của liên minh trước cơn "trọng bệnh" nợ công cùng những biện pháp thúc đẩy kinh tế được cho là lĩnh vực được chú trọng hơn cả. Đây cũng là nội dung sẽ được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường EU do Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy triệu tập vào ngày 23-5 tới trong bối cảnh làn sóng phản đối chính sách "thắt lưng, buộc bụng" ngày càng gia tăng, gây chia rẽ và đe dọa sự ổn định chính trị tại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).
Điều khiến dư luận e ngại hiện nay là quan điểm trái ngược giữa Tổng thống F.Hollande và Thủ tướng A.Merkel về thắt chặt ngân sách có thể gây tổn thương quan hệ Pháp - Đức giữa lúc Lục địa già còn đang chật vật trong cơn khủng hoảng nợ công kéo dài suốt 2 năm qua. Vấn đề này đã được đề cập không ít lần kể từ khi ông F.Hollande tung ra cương lĩnh tranh cử Tổng thống Pháp, trong đó cam kết sẽ đàm phán lại một số điều khoản liên quan đến kích thích tăng trưởng trong Hiệp ước Tài chính Châu Âu mà cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy từng thỏa hiệp với Thủ tướng Đức A.Merkel. Chính vì quan điểm này mà ông F.Hollande không nhận được sự ủng hộ từ người đứng đầu Chính phủ Đức trong suốt quá trình tranh cử. Thậm chí, bà A.Merkel từng từ chối đón tiếp ông F.Hollande ở Berlin - một "cử chỉ" truyền thống mà nước Đức thường dành cho các ứng viên Tổng thống Pháp.
Nhưng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, mối quan hệ Merkel - Hollande có thể sẽ không bi quan như dự đoán. Vì trước khi khủng hoảng nợ công bùng phát, bộ đôi Merkozy (A.Merkel và N.Sarkozy) không phải lúc nào cũng đồng thuận. Sở dĩ Thủ tướng A.Merkel "kết" ông N.Sarkozy là do lo ngại những gì vừa đạt được cho Châu Âu sau một quá trình phối hợp chật vật với Pháp có nguy cơ dang dở. Song, những ngày gần đây, bà A.Merkel phải đứng trước các diễn biến cho thấy chính sách thắt lưng buộc bụng mà Berlin và Paris từng theo đuổi đang ngày càng ít nhận được sự ủng hộ. Hàng loạt nhà lãnh đạo tại Châu Âu đã phải ra đi vì tác động nghiệt ngã của các biện pháp cắt giảm ngân sách lên đời sống người dân. Liên minh Dân chủ - Cơ đốc giáo (CDU) của nhà lãnh đạo được mệnh danh là "Người đàn bà thép" của nước Đức cũng đã gặp thất bại trong cuộc bầu cử ngày 13-5 tại bang Bắc Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất trong số 16 bang ở Đức. Đây là thất bại thứ ba của CDU kể từ đầu năm đến nay trong các cuộc bầu cử địa phương và là kết quả bầu cử tồi tệ nhất đối với CDU tại bang này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Yếu tố này sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín của CDU trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Làn sóng phản đối không chỉ ở Đức mà trên toàn Châu Âu sẽ khiến bà A.Merkel buộc phải có thái độ mềm mỏng hơn với "Người tử tế" F.Hollande trong các vấn đề về kinh tế của khối.
Lịch sử ngoại giao 30 năm qua giữa hai nước cho thấy, các nhà lãnh đạo trung hữu và trung tả Pháp - Đức từng có mối quan hệ tốt đẹp. Và giờ đây, quan trọng hơn cả là lợi ích chung giữa hai quốc gia không thể bị phớt lờ. Vì vậy, nhiều người tin rằng, liên minh Merkozy sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho một liên minh mới: Merkollande.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.