Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ có "làn sóng" tăng lãi suất cho vay?

Đức Anh| 15/09/2015 07:53

(HNM) - Sau “cơn sốt” tỷ giá, với việc đồng USD tăng mạnh so với VND, lo ngại tình trạng người dân đổi VND để mua USD, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động VND để cạnh tranh với USD.



Mặc dù có những lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo huy động, song theo các chuyên gia, đây là xu thế tất yếu, nhưng mức điều chỉnh của các ngân hàng không lớn, nên "làn sóng" tăng lãi suất cho vay khó xảy ra…

Nguồn vốn dồi dào, nên khó có thể xảy ra tình trạng ngầm tăng lãi suất. Ảnh: Ngọc Châu


Với tốc độ điều chỉnh dồn dập, sự biến động của tỷ giá trong những ngày qua đã tác động không nhỏ đến hệ thống ngân hàng. Nguyên nhân của sự điều chỉnh liên tiếp từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được chỉ ra là xuất phát từ những yếu tố khách quan như sự mất giá mạnh của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay nhận định về sự sụt giảm tăng trưởng toàn cầu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)…; song không ít người vẫn tỏ ra lo ngại về việc VND mất giá so với USD. Bất chấp lý do điều chỉnh tỷ giá là từ khách quan hay chủ quan, các ngân hàng thương mại cũng phải đau đầu tính đến bài toán “giữ chân” VND, tránh làn sóng đổi VND sang USD của người dân. Bởi vậy, ngay sau khi đồng USD “leo thang”, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động VND, vừa để hấp dẫn khách hàng mới, cũng là giữ chân những khách hàng cũ, với mức tăng 0,1-0,4%/năm, thậm chí là 0,7%/năm so với lãi suất trước đây, tùy thuộc vào từng ngân hàng, cũng như từng kỳ hạn. “Cuộc đua” lãi suất VND để cạnh tranh với USD đã diễn ra tại hầu hết các ngân hàng, nhưng mức tăng không đồng đều.

Tại một số điểm giao dịch của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất niêm yết kỳ hạn 6 tháng: 5,6%/năm, 12 tháng: 6,4%/năm, tăng 0,1-0,4%/năm so với trước. Nếu khách hàng gửi từ trên 100 triệu đồng đến 10 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng và 1 năm còn được tặng thêm 0,1%/năm lãi suất. Tại nhiều phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Đông Á (SeABank), lãi suất của kỳ hạn 6 tháng là 5,9%/năm, 12 tháng là 6,8%/năm, tăng 0,2-0,4%/năm. Một số ngân hàng khác còn dành mức lãi suất cao hơn như 6,3%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần “đua nhau” tăng lãi suất, các ngân hàng thương mại nhà nước lại có vẻ thận trọng, một số ngân hàng còn giữ nguyên biểu lãi suất trước đó. Trên biểu lãi suất mà Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) đưa lên website, lãi suất huy động được áp dụng đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 2 tháng: 4,5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 9 tháng: 5,3%/năm, từ 9 tháng trở lên: 5,4%/năm. Các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư - Phát triển (BIDV), lãi suất áp dụng phổ biến là 4,5-4,8%/năm cho kỳ hạn 3 tháng; 5-5,5%/năm (6 tháng), 6%/năm (12 tháng).

Trước sự biến động tỷ giá và lãi suất các loại tiền gửi, kỳ hạn được nhiều người lựa chọn là 3-6 tháng, thay vì những kỳ hạn dài. Mặc dù lãi suất được điều chỉnh ở hầu hết các kỳ hạn, nhưng mức tăng không đột biến, nên cuộc chạy đua lãi suất không diễn ra gay gắt. Theo các chuyên gia, khác với nhiều cuộc đua lãi suất trước đây, nguồn vốn ngân hàng đang dồi dào, nên giữa các ngân hàng sẽ không xảy ra tình trạng ngầm tăng lãi suất với các sản phẩm “lách” quy định của NHNN. Thực tế của việc điều chỉnh lãi suất của một số ngân hàng trong thời gian gần đây nhằm giữ chân VND, tránh hiện tượng người dân rút tiền VND để mua USD vì lo sợ đồng USD tiếp tục tăng giá. Hơn nữa, động thái tăng lãi suất diễn ra chủ yếu với các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa hoặc nhỏ cũng là do muốn cạnh tranh với những ngân hàng có quy mô lớn hơn, nhằm chuẩn bị cho nhu cầu về vốn có thể tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016.

Cùng với việc tăng lãi suất huy động để hút người gửi tiền, chuẩn bị cho nguồn vốn cuối năm, để xua tan lo lắng về khả năng lãi suất cho vay tăng cao, nhiều ngân hàng không ngần ngại đưa ra các chương trình cho vay khá hấp dẫn. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) triển khai sản phẩm “Vay vốn nhanh - Lãi cạnh tranh”, với tổng nguồn vốn 1.500 tỷ đồng, lãi suất từ 5%/năm trong 12 tháng đầu dành cho khách hàng cá nhân và hộ gia đình vay mua nhà, ô tô, tiêu dùng, bổ sung vốn lưu động kinh doanh… Đặc biệt, SHB dành 1.000 tỷ đồng cho chương trình ưu đãi tài trợ doanh nghiệp (DN) vay mua ô tô đầu kéo, rơ moóc, sơmi rơ moóc… Mức lãi suất áp dụng là 7,5%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 8,5%/năm cho 12 tháng. Sau thời gian đó, lãi suất được điều chỉnh bằng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm VND kỳ hạn 13 tháng cộng biên độ 3,5%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), gói tín dụng 4.000 tỷ đồng được dành cho khách hàng DN bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm. Theo đó, khách hàng DN có cơ hội vay vốn ưu đãi bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm VND hoặc USD do HDBank hoặc các tổ chức tín dụng khác phát hành, lãi suất từ 6,5%/năm tùy từng kỳ hạn của thẻ tiết kiệm.

Lãi suất huy động bắt đầu thay đổi, cũng có nghĩa là ngân hàng sẽ phải tính toán đến việc điều chỉnh lãi suất cho vay để cân bằng. Tuy nhiên, để có thể tăng trưởng tín dụng, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn bấp bênh khi nhiều DN đang gặp khó khăn vì đối mặt với “cơn lốc” điều chỉnh tỷ giá, ngân hàng sẽ phải tìm mọi biện pháp tiết kiệm chi phí nhằm giữ lãi suất cho vay thấp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Mặc dù theo con số thống kê mới nhất của NHNN, tính đến cuối tháng 8, nguồn tín dụng cho nền kinh tế tăng 9,54% so với cuối năm 2014, nhưng để có thể đạt đến con số tăng trưởng 15% cho cả năm 2015, ngân hàng sẽ còn phải “chạy đua” để kéo khách hàng vay vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ có "làn sóng" tăng lãi suất cho vay?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.