(HNM) - Được HĐND TP khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5, Hà Nội sẽ chính thức điều chỉnh mức học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP từ đầu năm học 2012-2013. Mức học phí mới ban hành cơ bản nhận được sự đồng tình, song cũng không tránh khỏi sự nghi ngại.
Cuộc trao đổi giữa PV Báo Hànộimới với Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga sẽ phần nào làm rõ hơn về lộ trình và các giải pháp của ngành đối với những vấn đề liên quan đến điều chỉnh mức học phí.
Việc Hà Nội điều chỉnh mức học phí nhận được sự đồng tình của người dân.
Ảnh: Linh Tâm
- Sau nhiều lần dự thảo, tờ trình về học phí của Hà Nội vừa chính thức được phê duyệt, nhận được sự đồng tình của đa số người dân. Căn cứ nào để Hà Nội xây dựng mức thu học phí này, thưa bà?
- Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, từ năm 2008 đến nay Hà Nội vẫn thực hiện thu học phí theo quyết định của các địa phương như khi chưa hợp nhất, với nhiều nội dung thu, mức thu khác nhau. Đến giờ, việc thống nhất một mức thu trên toàn địa bàn TP là cần thiết, nhằm tạo thuận lợi cho các cấp quản lý trong chỉ đạo, tổ chức thu và sử dụng học phí một cách hiệu quả. Nguyên tắc xác định mức học phí của Hà Nội được triển khai theo tinh thần Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân: Phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân.
Các trường ngoài công lập được tự quyết định mức thu học phí trên cơ sở tính toán các khoản chi phí đủ đáp ứng cho việc dạy - học; phải thông báo công khai mức học phí cho từng năm học (đối với giáo dục mầm non và phổ thông); công khai cho từng năm học và dự kiến cả khóa học (đối với giáo dục nghề nghiệp). |
- Bà có thể nói rõ mức thu cụ thể đối với từng cấp học?
- Theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, khung học phí này được áp dụng từ năm học 2010-2011 và sẽ điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm, song Hà Nội vẫn áp dụng theo khung này để xây dựng mức thu học phí và không đặt vấn đề tăng học phí hằng năm. Từ năm học 2012-2013, HS các cấp học sẽ thực hiện theo hai mức thu: 20 nghìn đồng/tháng/HS (khu vực nông thôn) và 40 nghìn đồng/tháng/HS (thành thị). Việc điều chỉnh mức học phí nhằm tạo thuận lợi cho HS ở mọi vùng, miền đều được hưởng nền giáo dục chất lượng, trong đó ưu tiên HS nghèo, HS vùng khó, không để các em phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Với mức thu mới, một số đối tượng như trẻ mầm non, HS bổ túc ở khu vực Hà Nội cũ, Hà Tây; HS học nghề ở các xã của Hòa Bình hợp nhất vào Hà Nội… sẽ chỉ phải đóng học phí bằng khoảng 1/2 so với hiện nay. Sau khi có quy định của UBND TP, Sở GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các trường học.
- Nhìn vào mức thu học phí mới, thấy một số vùng khó khăn lại có mức thu học phí cao hơn so với hiện tại. Nên hiểu thế nào về việc đó, thưa bà?
- Mức học phí của Hà Nội được triển khai theo tinh thần Nghị định 49/2010/NĐ-CP và đây là mức thấp nhất trong khung học phí quy định tại nghị định này. Song song với việc điều chỉnh mức học phí, Hà Nội còn triển khai nhiều chính sách hỗ trợ HS vùng khó khăn. So với Nghị định 49/2010/NĐ-CP thì số đối tượng được miễn, giảm học phí của Hà Nội nhiều hơn. Đơn cử như ngoài việc được miễn học phí, HS ở 13 xã miền núi khó khăn và hai xã giữa sông còn được hỗ trợ chi phí học tập. Nhiều HS diện chính sách, hộ cận nghèo được giảm học phí. Đây là cách hỗ trợ trực tiếp cho HS, vì vậy, các em thuộc diện ưu tiên dù học trường công lập hay ngoài công lập đều được hưởng quyền lợi.
- Thưa bà, việc điều chỉnh học phí theo hướng giảm ở một số nơi liệu có làm ảnh hưởng tới hiệu quả GD-ĐT ở các nhà trường không?
- Hà Nội sẽ tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT để cải thiện điều kiện dạy - học. Với những trường bị giảm kinh phí do điều chỉnh mức thu học phí, Sở GD-ĐT và Sở Tài chính sẽ rà soát cụ thể và đề xuất mức hỗ trợ bù chi ngay trong năm học mới. Tổng số tiền cấp bù dự kiến gần 28 tỷ đồng. Các trường có thể yên tâm triển khai đầy đủ nhiệm vụ của năm học mới.
- Nhắc đến năm học mới, nhiều người hẳn sẽ liên tưởng đến lạm thu - "căn bệnh" phổ biến ở nhiều nơi. Hà Nội đã có "phương thuốc" nào để điều trị?
- Sắp tới, Sở GD-ĐT cùng với Sở Tài chính sẽ nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ các khoản thu khác như thu học bán trú, học 2 buổi/ngày… để tham mưu cho UBND TP Hà Nội ban hành danh mục cụ thể về các khoản thu trong nhà trường trước ngày khai giảng năm học mới. Danh mục này sẽ được công khai để phụ huynh, HS biết và giám sát việc thực hiện. Hà Nội sẽ thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị ngay trong những ngày đầu năm học và xử lý nghiêm khắc đối với sai phạm.
- Việc xử lý đối với những đơn vị thu sai thời gian qua dường như chưa đủ mạnh?
- Hà Nội quyết tâm vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng thu sai quy định. Theo phân cấp quản lý, nơi nào để xảy ra vi phạm thì lãnh đạo quận, huyện, thị xã nơi đó phải chịu trách nhiệm. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu - chi trong nhà trường. Nếu thu sai, trước hết, nhà trường phải trả lại cho phụ huynh, sau đó, tùy theo mức độ và hành vi vi phạm, hiệu trưởng phải chịu xử lý kỷ luật theo pháp lệnh công chức.
- Xin cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.