(HNM) - Đã hơn 30 năm xa cách nhưng khi được hỏi về Hà Nội vợ chồng họa sĩ Bùi Quang Ngọc và Nguyễn Thị Vinh vẫn hào hứng kể về từng kỷ niệm, từng góc phố Thủ đô. Với họ đây là một góc trời thiêng liêng cất giữ ước mơ cùng kỷ niệm mối tình đầu.
"Cặp bài trùng"trong hội họa
Đến thăm ngôi nhà của đôi vợ chồng người họa sĩ già tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), chúng tôi chợt sững sờ khi giữa cái đô thị hối hả lại có một không gian sống êm đềm đến thế. Ngôi nhà thiết kế theo kiểu kiến trúc xưa với mái ngói, nền gạch xung quanh là vườn rộng, ao sen và cả đìa rau muống.
Vợ chồng họa sĩ Bùi Quang Ngọc bên những kỷ vật một thời Hà Nội.
Dù đã cao tuổi nhưng họa sĩ Bùi Quang Ngọc (80 tuổi) và vợ là họa sĩ Nguyễn Thị Vinh (gần tuổi 70) vẫn nhớ như in từng chút ký ức một thời Hà Nội. Năm hai mươi tuổi, ông Ngọc rời quê Quảng Bình lên Hà Nội tham gia khóa học Tô Ngọc Vân, sau đó thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Học xong ông về công tác tại Sở Văn hóa tỉnh Quảng Ninh. Bà Nguyễn Thị Vinh lúc đó là một nữ sinh viên cùng trường nhưng học khóa sau, kém ông Ngọc tới 11 tuổi. Trong một lần đi Quảng Ninh, một người bạn bày ra 30 bức tranh và mời cô chọn những bức họa yêu thích. Như là "duyên trời định", cô sinh viên hội họa đã chọn ra 7 bức chân dung, ký họa của chính họa sĩ Ngọc. Anh bạn cho cô biết tác giả bức tranh đang nằm trong bệnh viện. Cô Vinh nhờ người bạn dẫn vào bệnh viện để thăm tác giả những bức vẽ. Từ đó họ yêu nhau, rồi chàng họa sĩ rời đất mỏ về làm rể Hà Nội.
Về Hà Nội, họa sĩ Ngọc làm việc tại một tờ báo, còn vợ công tác ở Bộ Ngoại thương, chuyên vẽ thiết kế mẫu thảm len xuất khẩu. Cuộc sống tại Hà Nội khá vất vả đối với hai vợ chồng, khi căn hộ tập thể trên đường Trương Định chỉ rộng 10m2 mà chứa cả gia đình 5 thành viên. Nhưng cái khó không ngăn nổi niềm đam mê và sự lao động không ngừng của họ. Họa sĩ Bùi Quang Ngọc đã giành được một số giải thưởng quan trọng như: Giải Nhất tranh đồ họa năm 1983, Giải Ba Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1960, Giải thưởng Quốc gia về phê bình mỹ thuật năm 1993. Còn bà Vinh, vừa đóng vai trò trụ cột kiếm tiền nuôi gia đình để chồng yên tâm sáng tác, vừa làm người phụ nữ đảm đang chăm chồng, lo cho các con, lại vừa tận dụng quỹ thời gian ít ỏi trong ngày để nghiên cứu, thiết kế mẫu thảm len.
Những kỷ vật của một thời
Ánh nhìn xa xăm, họa sĩ Bùi Quang Ngọc chợt bồi hồi nói: "Vì cuộc sống khó khăn nên cuối 1978 tôi đưa vợ và các con vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Phải mất 5 năm tôi mới quen được tập quán đón tết nơi đây. Lúc đó, nhớ cái lạnh và thèm mùa đông tôi lại lao vào vẽ về ký ức Thủ đô. Cứ thế, mấy chục năm trôi qua tôi đã hình thành thói quen vẽ hoài niệm!".
Nghe chồng hồi ức, bà Vinh tủm tỉm: "Ông ấy chỉ là rể Hà Nội, vậy mà nhớ Hà Hội nhiều hơn cả tôi nữa! Thỉnh thoảng cứ đòi về Hà Nội cho bằng được. Năm 1993 cả gia đình về thăm lại Thủ đô, ông xúc động lắm mới viết ra bốn câu thơ để tả căn phòng của chúng tôi ngày ấy". Rồi nữ họa sĩ khẽ ngâm nga những câu thơ như hoài niệm về một thời đẹp nhất: "Dáng xưa dấu bụi phủ mờ/Nẻo về chân cũ nắng hờ hững trôi/Nhà ai tường nhạt màu vôi/Ráng chiều mây kết một trời nhớ thương…".
Suốt hàng chục năm qua, giữa cuồn cuộn nhịp sống, họa sĩ Bùi Quang Ngọc đã "tĩnh" lại để vẽ trong trí nhớ chân dung của nhiều nhân vật, trong đó có cả những người thầy, người bạn thân thiết với ông. Đó cũng là những người nổi tiếng như Văn Cao, Lê Đạt, nhà thơ Hữu Loan, Hoàng Cầm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Bộ tranh gồm 32 bức chân dung này đã được trưng bày ở nhà triển lãm 43 Tràng Tiền - Hà Nội vào năm 2010. Tranh của ông được giới chuyên môn đánh giá cao, được gửi đi triển lãm tại Singapore, Mỹ... Khi đã có tuổi, hưởng thụ cuộc sống an nhàn, nhưng chưa một ngày ông ngừng vẽ, trong đó có những bức về Hà Nội. Bây giờ, trong căn nhà của mình, không chỉ dành riêng một phòng trưng bày tranh về Hà Nội, họa sĩ Ngọc còn dành hẳn một góc trân trọng để lưu giữ những cuốn sổ cũ được xem như tài sản quý giá chứa những bức ký họa của ông đăng trên báo từ những năm 1973.
Còn với vợ ông, họa sĩ Nguyễn Thị Vinh lại có những khoảnh khắc đáng nhớ khác. Lật giở cuốn sổ cũ dán những mẫu thiết kế thảm len được vẽ cách đây hơn 30 năm, họa sĩ Vinh bồi hồi kể: "Đây là những mẫu thảm len mang kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi. Ngày ấy, làm họa sĩ ở Bộ Ngoại thương, tôi được giao nhiệm vụ là phóng tác bức vẽ đạt giải của sinh viên Trường Mỹ thuật để làm tấm thảm len trải trong Lăng Bác. Bản mẫu vẽ trên khổ giấy 20x30cm, phải chia bức vẽ ra 1/4 để phóng đúng kích thước của tấm thảm lớn cho công nhân xưởng thảm len sản xuất. Hì hục vẽ đi vẽ lại, làm việc cật lực cùng các công nhân xưởng để cho ra tấm thảm ưng ý nhất. Ngày khánh thành Lăng Bác, ngắm nhìn bức thảm có công sức của mình trong đó thấy vô cùng tự hào.
"Bây giờ cả hai chúng tôi đều già rồi, nhớ quê thì một năm bay ra Hà Nội hai lần thăm bạn bè, chứ không thể mang tranh ra ngoài triển lãm được nữa" - họa sĩ Ngọc tâm sự. Bây giờ, vẽ xong tranh, vợ chồng họa sĩ lại mang tặng các bạn nghệ sĩ hay những doanh nhân Hà Nội sống tại TP Hồ Chí Minh "cho ấm cúng tình quê". Ông bảo, hai vợ chồng làm điều đó, như một niềm an ủi, sự sẻ chia nỗi nhớ Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.